Không hiểu do đâu mà tôi cứ nghĩ những người có tên là Nguyệt đều dịu dàng, tốt bụng và mềm yếu.
Nguyệt là đứa bạn thân duy nhất của tôi – Hai đứa tính cách trái ngược nhau; tôi gai góc, sắc sảo- nó nhân hậu, yếu ớt vậy mà chúng tôi lúc nào cũng như gắn chặt vào nhau.
Nhà Nguyệt nghèo, bố nó hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, một mình mẹ nó phải nuôi ba đứa con. Một tối trăng sáng, mẹ nó và mẹ tôi chải chiếu ngồi ngoài hè hóng mát, tôi nghe mẹ nó bảo:
-Con Nguyệt nhà tôi nó khổ từ trong trứng, bố nó về thăm nhà một ngày trước khi vào chiến trường, tôi mang thai nó, sắp đến kỳ sinh nở thì nhận giấy báo tử của bố nó, tôi vật vã qúa nên sinh nó ra thiếu tháng ....
Bác Hà mẹ cái Nguyệt lặng lẽ như cái bóng, suốt ngày cặm cụi với mấy luống hoa, thi thoảng lại ngất xỉu, tay chân co quắp làm tôi sợ hết hồn, cái Nguyệt thì khóc ròng còn mấy ông bác sĩ đến khám cho mẹ nó thì tỉnh bơ như không có chuyện gì, họ gọi cái tên bệnh của mẹ nó bằng những cái từ gì đại loại như xi... hoặc xê gì đó với một vẻ đầy bí ẩn.
Tôi và Nguyệt giống nhau ở chỗ mơ mộng. Buổi chiều lúc sắp tắt nắng, tôi và nó lang thang ra bờ sông Châu - con sông ước xanh ngăn ngắt những rêu là rêu, ven bờ đàn cá mương người mỏng dính lấp loáng ve vẩy bơi, những con ốc rêu phủ kín người lặng lẽ bò, trên con sông có vài chiếc thuyền nan gõ cành cạch lùa cá vào lưới, tiếng gõ nghe khô nhắc buồn tẻ. Bên kia sông những vạt hoa cải vàng rực lên dưới ánh nắng chiều. Quê tôi nghèo, cái nghèo như đóng chặt xuống làng xóm từ thuở của ông Nam Cao tới giờ. Những người nông dân suốt ngày lầm lụi làm việc, đến gặp nhau cũng không biết nói gì khác ngoài những câu “ Đi đâu đấy ?, Ăn cơm chưa ?”...Những câu hỏi chỉ để mà hỏi để rồi quên ngay sau đó.
Tôi và Nguyệt chia sẻ với nhau những chiếc áo bằng vải phin thô kệch được cắt may bởi nhát kéo vụng về của những bác thợ may làng và cùng tưởng tượng ( và ước ao) cuộc sống đẹp đẽ ở thành phố. Những đêm tối trời ngồi trên một mô đất cao nhìn về quầng sáng phía xa xa hình dung đó là Hà Nội....
Một ngày người thứ ba xuất hiện giữa hai chúng tôi. Hắn người thành phố! cao ráo, da ngăm đen, tóc chải lượn sóng ở mái, lời lẽ lưu loát. Tôi không có cảm tình ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên, còn cái Nguyệt thì ngất ngây. Nó yêu và chìm đắm vào đấy nhanh như bị bùa.
Mẹ và các anh của nó phản đối kịch liệt; Bác Hà mắt xưng húp vì khóc nhiều, anh Khải hay pha trò là thế mà nay cứ hầm hầm, anh Đại ở xa viết thư về liên tục... Hắn nhếch mép cười khẩy và bảo:
-Mình bị rơi vào trận đồ bát quái.
Cái Nguyệt cười ngượng gạo méo xệch. Tôi biết là nó cũng chẳng biết thế nào là “ Trận đồ bát quái” đâu. Tôi bảo:
-Ông ấy là gã ba hoa, trơ trẽn và ác nữa, mày đừng tin ông ấy. Nó không nói gì chỉ chớp làn mi mắt đen dài thăm thẳm xuống- cái nhìn xuống của nó cứ làm người khác phải nao lòng. Tôi thương nó vô cùng.
Tối tối gã kể cho nó nghe về những cuộc “làm ăn’ của gã với vài thằng bạn chạy hàng vật liệu xây dựng, giọng của một kẻ “một tấc tới giời” ; hắn mang theo một chiếc đàn ghi ta bập bùng vài giai điệu đơn điệu và ngêu ngao hát với vẻ tự tin của một nghệ sĩ.... tôi hiểu gã đang diễn thành công màn kịch của mình, gã có nhiều thứ vũ khí ( không cần tinh vi lắm) để mê hoặc cô gái quê chân chất đến ngờ nghệch. Hắn hứa hẹn một cuộc sống ở thành thị với đủ mọi thứ văn minh; hắn có vẻ bề ngoài thật khác xa với mấy thằng bạn đen đủi; thật thà, nói năng ngượng nghịu, hắn hiểu biết rất nhiều lĩnh vực và biết khoe sự hiểu biết ấy bằng những từ hoa mỹ v v...
Tôi nhớ đến những ngày tết - sáng mùng 1 Tết làng xóm vắng ngắt, mưa lâm thâm, bùn nhóp nhép, cây lá ướt đẫm nước mưa và xanh đen lại dưới tiết trời ảm đạm, Nguyệt cầm ở tay 2 cành ô rô đưa cho tôi một cành nó bảo: Tết mà chẳng khác gì ngày thường, tao đi hái lộc, cho mày một cành cắm vào nhà lấy may.
Nói rồi tôi và nó cùng quay mặt đi - mắt hai đứa đỏ hoe.
Thằng Hoàng “còi” _ cái thằng học giỏi nhất trường, tính tình điềm đạm, sau khi tốt nghiệp phổ thông nó vào bộ đội đóng quân ở Hà Bắc, một lần được về thăm nhà Hoàng đến chơi với chúng tôi và gặp hắn _ Hai người đã quen biết nhau vì từng ở cùng một tiểu đội. Hắn thoáng lúng túng, cái lúng túng chỉ thoảng qua một tích tắc rồi lấy lại vẻ trơ nhẵn, ngạo mạn như cũ.
Hoàng “còi” đã cho chúng tôi biết về hắn: từng lừa gạt một cô bé 16 tuổi ở chỗ đóng quân_ người nhà của cô gái đến đơn vị yêu cầu hắn có trách nhiệm sau khi biết hắn đã lén lút đưa cô bé đi phá thai, hắn quanh co chối tội và chỉ cúi đầu nhận lỗi khi có những bằng chứng không thể chối cãi. Đơn vị kỷ luật đuổi hắn về quê.
Cái Nguyệt mặt trắng bợt như sáp ong, nó không còn khóc được nữa.
Còn tôi, lần đầu tiên trong đời có ý mong muốn cho người khác gặp tai hoạ_ tôi nghĩ ra cảnh hắn đi xe máy ( một lần hắn mượn của ai đó và đi đến đây) một cây tre uốn cong ven con đường làng nhỏ bé chọc vào bánh xe, một ai đó lực lưỡng như anh Điền cạnh nhà tôi đánh hắn một trận thừa sống thiếu chết, một cái gì đại loại như vậy để xoá đi cái bộ mặt nhơn nhơn khả ố ấy trên làng quê yên ả của chúng tôi.
Tôi ôm lấy nó và bảo:
- Chưa muộn đâu mày ạ, mình sẽ quên những chuyện vừa rồi đi.
Một tháng sau tôi vào đại học, Nguyệt ở nhà. Cuộc sống mới ùa vào tôi, chỉ có điều tôi vẫn rè rặt với những người thành phố. Tôi nhận tin Nguyệt chuẩn bị ăn hỏi và chồng nó vẫn là hắn. Tức tốc đáp tàu về nhà, nó bảo nó không thể khác được, nó đã từng có những kỷ niệm sâu sắc với hắn....Nó sợ nó sẽ không lấy được ai ở cái làng quê hẻo lánh này, người ta sẽ đày đoạ, dằn hắt nó khi nó không còn trinh tiết v.v...Tôi giận nó, giận cả cái không khí nặng nề, hủ tục của quê làm cho Nguyệt nên nông nỗi ấy và tôi đi.
* * *
Bảy năm trôi qua. Mỗi lần về thăm nhà tôi không tìm ra được hình dáng mảnh mai với mái tóc dài cặp trễ sau lưng và giỏ đồ với đủ mọi dụng cụ thêu thùa của con gái – Tôi thấy một chị Nguyệt khắc khổ, héo hon trên chiếc xe đạp cà tàng ngày nào cũng đi đường vòng xa thêm 8km chỉ để tiết kiệm 1000 đồng tiền qua phà mỗi ngày...
Nghe nói hắn đánh đập Nguyệt dã man và không lần nào quên mỉa mai về chuyện :
- Mày chả ước ao được thoát khỏi quê là gì, mà muốn thoát thì chính tao mới giúp thoát được...
Tôi tốt nghiệp đại học được ở lại Hà Nội – hàng ngày tôi thấy đường phố đông nghịt, thường xuyên bị tắc đường – các rạp vẫn trương đủ loại băng rôn quảng cáo, ngoài đường những tà áo dài, các loại váy nội, ngoại...phấp phới, tôi vẫn nhớ làng quê yên ả của mình, cố tìm lại một tuổi thơ đã qua cho dù tuổi thơ ấy thiệt thòi và vẫn mong được thấy Nguyệt vẫn là một cô bé nhân hậu, tốt bụng... như thuở xưa...
Trần Thu Hương
Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét