Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009

Có một thời như thế

“Mong chóng về già để kể chuyện cùng nhau
Về cái thời chúng mình đang sống
Đời sinh viên vui, buồn, mơ mộng
Ai qua rồi chẳng dễ gì quên....”

Đúng là chẳng dễ gì quên một thời như thế trong đời. Tôi là người đàn bà được số phận ưu ái – Gần 30 tuổi với một căn phòng nhỏ tiện nghi vừa phải giữa đất Hà Nội, một con gái nhỏ dễ thương, một người bạn đời biết chia sẻ...Cuộc sống thật yên ả vậy mà đâu đó trong tôi vẫn nhớ đến một thời đã qua như thế...
Mười năm trôi qua, rất nhiều sự kiện đến với mình và tôi vẫn nghĩ: Thời sinh viên thật đẹp đẽ biết bao, cái thời tôi thực sự biết đến tình yêu, cả tình yêu đích thực lẫn tình yêu lầm tưởng...Tôi sẽ viết về nó.
L.TônXTôi nói: “Làm sao chúng ta có thể không yêu một người nào đó được khi chúng ta biết rằng tất cả đều đã bị tuyên án phải chết”. Không có tình yêu làm sao những kẻ mơ mộng và cả tin như tôi sống nổi? Tôi đã gặp hắn – một giáo viên giảng dạy ở trường, đại diện cho những ông thầy có quá ít phẩm chất sư phạm.
Năm ấy tôi bước sang tuổi 19. ở quê tôi vắng vẻ và cổ xưa như cái đình làng cũ mốc vừa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá đời Trần. Tôi không biết gì hơn ngoài những điều sách vở dạy (chồng sách, truyện cao ngất ngưởng bố tôi chắt chiu mua cho tôi). Tôi bước vào trường và mang theo mình nền văn minh của làng quê lặng lẽ sau tre trúc, không mảy may tin rằng có thể có một cái gì không tốt đẹp ở trên đời. Hắn xuất hiện trong đời tôi đột ngột và trơ trẽn không cần giấu giếm. Hắn có bộ mặt bất cần, cái vẻ bất cần của một kẻ biết mình có gì. Phải công nhận hắn đẹp trai - đẹp một vẻ trai lơ, quyến rũ, cặp môi đỏ với nụ cười nham nhở thường trực, cặp kính cận tạo cho hắn vẻ trí thức và ngôn ngữ của hắn thì trời ơi là gớm guốc. Hắn bảo: “Cô bé thật lãng mạn, bọn đàn ông muốn kéo em đi chơi thì đừng đi, đừng bao giờ ngồi sau xe máy của bọn chúng ra khỏi cổng trường”. Tôi tin hắn và sợ hắn, sợ những lời nói trắng trợn của hắn.
Một tối Nôen rét buốt, cả phòng tíu tít trang điểm và từng đôi, từng đôi đi hết, một mình tôi với căn phòng mất điện, cũng điểm trang một cách cầu kỳ rồi ngồi co ro trong góc của mình. Hắn đến, người ướt sũng nước, tối đen, chỉ có cặp kính trắng và những vệt nước trên chiếc áo da là ánh lên bàng bạc...Hắn bảo: “Tôi thích những cô bé tự nguyện. Đi với tôi”. Tôi rùng mình sợ hãi.
Mỗi lần hắn đến là một lần tôi bàng hoàng trước những lời nói và vẻ mặt của hắn, vừa sợ, vừa kích động trí tò mò. Tôi không yêu, không có cảm tình nhưng tôi không căm ghét. Trước mắt tôi hắn đẹp trai và thông minh, hắn tràn đầy khí chất đàn ông khiến những cô bé dút dát như tôi kính nể – tính cách hắn lạ lùng. Hắn cần những tình cảm tự nguyện và hắn đã có rất nhiều những cô sinh viên tự nguyện...
Chỉ có tôi, không hiểu sao mỗi lần cặp môi đàn ông mọng đỏ nhếch lên là tôi sợ. Hắn chìa chiếc chìa khoá vào mặt tôi và nói như ra lệnh (lần nào cũng vậy): “Hãy đến phòng tôi và chờ tôi ở đấy”. Tôi lắc đầu, lại một cái nhếch mép nửa như mỉa mai, nửa như thương hại và cái dáng thanh thản đến bất nhã của hắn lại lướt đi trên chiếc xe máy màu xanh.
Một lần tôi ốm, hắn đến và đem theo rất nhiều thứ, hắn chẳng hỏi một câu chỉ bảo: “Cô bé hãy bớt tự làm khổ mình đi, đừng thổi phồng mọi thứ lên làm gì”. Cái Hương lớp tôi, con bé đơn giản và tốt tính bảo: “Kể ra ông ấy kinh khủng thật đấy nhưng trong chuyện này ông ấy thật thiết thực”.
Trong căn phòng 16m2 ấy các bạn tôi sống vui tươi và giản dị tới mức đơn giản. Chúng nó yêu, được yêu và rất bằng lòng với tình yêu ấy. Tại sao mình không thế được nhỉ? Có lẽ cái cuộc sống ở nơi thôn dã với mọi thiếu thốn cực nhọc, với những khát khao cháy bỏng đã làm tôi trở thành thế chăng?. Một cô bé nông thôn ở cái rốn trũng nhất của đồng bằng Bắc bộ quanh năm ngập úng, không đài, không điện, mà bi kịch thay tôi bẩm sinh đã là một cô bé mơ mộng, thích hiểu biết trong khi cái đám bạn tôi ở nông thôn chúng nó cứ hồn nhiên sống như cây cỏ không cần biết đến cuộc sống nào khác hơn cuộc sống lặng lẽ ở làng quê. Tôi nhớ từ hồi còn rất bé tôi thường tìm một mô đất cao nhất để mỗi khi chiều xuống tôi có thể tù đó mà nhìn về thành phố, nơi có ánh điện sáng rực cả một góc trời và cái đèn đỏ trên tháp nước cao không hiểu sao cứ gợi cho tôi những liên tưởng về một cuộc sống mà ở đó tôi được nhìn thấy khuôn mặt thanh thản của những người xung quanh (chứ không phải là cái lam lũ, khổ cực in hằn trên nét mặt người nông dân), được thấy xung quanh những hiệu sách đầy ắp, thấy rạp chiếu bóng với những phim, những vở kịch...Và bao giờ cũng vậy, những lần ấy tôi thương bố mẹ, thương những người xung quanh tôi vô cùng. Họ thiệt thòi quá.
Dạo ấy có một chàng trai không hiểu sao làm tôi yêu mê mệt. Người ấy cũng đẹp một vẻ đẹp hào hoa, phong nhã. Mắt nâu, tóc hơi xoăn, ăn mặc chải chuốt và nụ cười xã giao với tất cả mọi người. Tôi biết người ấy cũng hời hợt, tình cảm chung chung và có vẻ trống rỗng nhưng tôi yêu anh ta bởi giọng hát mê đắm lòng người, bởi nét mặt và ánh mắt nhân hậu và bởi anh ta cũng mơ mộng bay bổng như tôi...
Đến một ngày tôi nhận ra rằng anh chàng "lãng tử" mắt nâu của tôi thiếu hẳn những cái tôi cần. Tôi bảo : "Với em anh chỉ là một đứa em út bé bỏng cần được nuông chiều và chăm sóc chu đáo". Quả thật tôi không chịu nổi những người đàn ông dễ bị tổn thương và tình cảm nhợt nhạt. Tôi vẫn làm những vần thơ cho chàng "lãng tử", vẫn lặng lẽ chăm sóc mỗi khi anh ấy ốm đau và mỗi mùa thi vất vả nhưng trong tôi tình cảm cứ vuột mất dần, tôi trở về lặng lẽ với những việc của mình, tìm nguồn vui từ kết quả học tập, tối thứ 7 cùng mấy người bạn chưa có người yêu ra ban công ký túc xá nghêu ngao hát, mùng 8 tháng 3 tự mua hoa tặng cho mình.
Hồi ấy cũng có rất nhiều chàng trai đến với tôi. Một " nhà thơ" ưa thổi phồng mọi thứ. Thơ của anh mộc mạc nhưng mỗi lần đọc anh ấy bao giờ cũng nhấn mạnh ở câu đầu và lướt đi ở câu cuối một cách trịnh trọng. Tôi thường buồn cười trước vẻ đạo mạo thái quá ấy.
Một "cậu ấm" được chiều chuộng quá tới mức ngốc nghếch. Cả phòng tôi gọi anh chàng là chú gà công nghiệp. Tôi không tham dự vào những trò đùa tai quái của lũ bạn, mỗi lần chúng trêu chọc là tôi phải tìm cách giúp anh ấy thoát ra khỏi "trận đồ bát quái" của chúng nó.
Một lần quá thất vọng về những người này tôi đã mỉm cười trước lời đề nghị của ông thầy nọ. Hắn chở tôi qua cầu Chương Dương, trăng sáng vô cùng, hắn nói những gì tôi không hiểu, trong đầu tôi không hiểu sao cứ hiện lên câu của Bunin "Mặt trăng là một thiên thể chết toả sáng", có lẽ khi viết câu này ông ấy cũng có tâm trạng không được thanh thản lắm. Qua những cánh đồng lạnh lẽo, những thửa ruộng mới gặt trơ những gốc rạ ...Tôi bỗng sợ, tôi bảo: "Cho em về..."
Đường về trường cứ như dài mãi... Hắn bảo: "Em thật đẹp, sao em lại phí phạm một cách vô ích những cái ấy nhỉ?" Tôi bảo: "Cái gì cơ?" - "Cái đức hạnh dở hơi của em ấy. Anh yêu em thật đấy".
Tôi lặng người đi, một cảm giác kinh tởm và thất vọng, tôi chạy như một kẻ bị ma ám, về đến phòng nằm vật ra giường, vài sợi cỏ vương trên áo rơi xuống, tôi rùng mình và bật cười. Thật may mắn sao cho những phút giây dại khờ của tuổi 19. ấy vậy mà tôi không sao xua đi được hình ảnh của hắn, tôi vẫn ngưỡng mộ hắn như kẻ mộng du. Tôi vừa sợ hãi lại vừa muốn nghe những lời trắng trợn của hắn. Cho đến một lần trường tổ chức đi thăm Động Hoà Bình, tôi hăm hở đi đầu tiên, nhưng rồi đuối sức cứ tụt mãi lại sau. Ông thầy người Thanh Hoá có điệu cười hềnh hệch mà lần nào nghe thấy tôi cũng có cảm giác ngượng và thương hại lẽo đẽo đi sau tán tỉnh những câu vô nghĩa. Trời đang mưa bỗng nắng vàng rực lên một cách đáng ngờ, tìm một khóm cây mát mẻ tôi chui vào định sẽ ngồi đây ngắm nhìn xuống phía dưới và chờ mọi người. Tất cả đập vào mắt tôi - Hăn và một cô bé cùng trường, chính cái cô bé mũm mĩm mà mặt không toát lên điều gì ấy... vẫn là những động tác ấy và những sợi cỏ vương trên người...Đất như từ từ lún xuống dưới chân, tôi ngồi sụp xuống và tưởng như không gì làm tôi tin được nữa. Hắn - kẻ luôn lên giọng đạo đức và dạy tôi những bài đầu tiên về tình yêu hiện đại.
Hắn yêu tôi bởi tôi trong trắng và giàu đức hy sinh (hắn bảo hắn biết xem bói), hắn là người đã tỏ ra tôn trọng tôi và gìn giữ...trình độ bịp bợm thật cao thủ, cũng may sao mình sớm nhận ra điều đó, tôi tự nhủ mình. Tôi không tin bởi lần đầu tiên bước ra ngoài cuộc sống thôn dã của mình tôi đã gặp một người đàn ông hào hoa nhưng hời hợt, một người tưởng là tràn đầy khí phách đàn ông nhưng vô cùng thâm hiểm, tráo trở, và trong cái ánh nắng vàng nhẩy nhót vui vẻ hôm ấy có cả hình ảnh ông thầy người Thanh Hoá đội mũ nồi, tay cầm cây mía để chống đang lết những bước nặng nhọc lên dốc, miệng vẫn cố giữ nụ cười vô nghĩa...
Tôi không yêu. Thâm tâm tôi thầm kêu lên như vậy nhưng không hiểu sao tôi buồn, hình ảnh của hắn vẫn ám ảnh tôi và tôi vẫn đợi những lời như ra lệnh của hắn: đi theo anh, dù tôi biết rằng tôi không bao giờ đi theo hắn.
Ngày tháng trôi qua, tôi trở thành một người trầm tĩnh, nét u uất vương trên mặt. Những đêm không ngủ, tì mặt lên cái lan can ban công lạnh buốt, tôi tự nhủ không được khóc. Tôi lớn lên nhiều, không còn là cô bé nông thôn mơ mộng và khao khát nữa. Không hiểu sao tôi cứ thường hay hay nhớ về vùng quê nghèo của mình. Nhà tôi nằm ở ngay cổng bệnh viện - bệnh viện cho những người mà Sêkhốp gọi là "trí óc khác thường". Họ cười, nói vô tư như trẻ con, có người nghe thấy trong đầu có tiếng tiếng nói và suốt ngày họ lẩm bẩm nói chuyện với những tiếng nói ấy, có người luôn tưởng mình là một giáo sư uyên bác và triết lý những câu ngớ ngẩn nhưng lại rất bằng lòng vì cứ nghĩ đó là những triết lý phi thường, có người hoàn toàn vô tri cứ nhảy những điệu nực cười với những con thiêu thân bay trước mặt...
Tôi đã chứng kiến những chuyện đó và chứng kiến nỗi vất vả cực nhọc của người nông dân, chứng kiến những con đường vắng ngắt, sâu hút sau luỹ tre làng...Tất cả đọng lại trong tôi như một quãng đời ẩn dật. Tôi thèm được bay nhảy, được yêu và được thoát ra khỏi mọi ràng buộc. Có phải vì vậy mà tôi cần một người hiểu biết và mạnh mẽ như hắn dù biết rằng hắn chỉ là một kẻ đê tiện tầm thường?
Ngày tháng trôi qua, tôi tự tìm cách an ủi mình, trầm lặng làm thơ và lao vào học. Tôi hiểu ra rằng tất cả những mơ ước của mình trước đây chỉ là những ý nghĩ phù phiếm, những chốc lát dại khờ. Tôi cố học và cố tìm cách tự hoàn thiện mình, rồi cái gì đến sẽ đến, tôi tự an ủi như vậy.
Cho đến một ngày điều đó đã đến. Đó là vào một đêm mùa đông giá lạnh, tôi tha thẩn đi trong sân trường. Đêm ở trường đại học ít yên tĩnh, tiếng xô chậu vẫn vang lên lanh canh ở khu bể nước, đâu đó có tiếng đàn ghi ta bập bùng, những chiếc bóng điện bảo vệ sáng một màu vàng đục đơn lẻ...Bàn chân tôi dừng bên một khung cửa sổ sáng ánh đèn, cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao ngay từ cái buổi đầu tiên ấy khi nhìn anh tôi đã linh cảm thấy rằng đến trọn đời mình tôi sẽ thuộc về anh - một con người bình dị đến mức nếu vô tình có thể lướt qua..., ánh mắt hiền từ, trung thực, trên nét mặt bao giờ cũng phảng phất vẻ hồn nhiên trong sáng và cái đêm ấy tôi đã thèm được gục lên khuôn ngực ấm áp của anh biết bao...Tôi yêu anh bằng tất cả những gì tôi có thể, mười năm trôi qua, gia đình của chúng tôi hạnh phúc, hạnh phúc đến se lòng.
Một hôm tôi gặp hắn. Hắn đỗ xịch xe trước mặt tôi, vẫn như xưa hắn nhếch mép cười. Cặp môi đàn ông mọng đỏ có lẽ đến bây giờ vẫn làm nao lòng bao cô gái trẻ. Hắn bảo : "Thằng cha ấy có làm em hối hận không? Hắn gặp may đấy!" .
Hắn kể về những cuộc trăng gió của hắn, kể về cuộc cưới xin kỳ lạ của hắn với một người đàn bà hơn hắn 5 tuổi đã có một đời chồng và hai đứa con nhỏ...Hắn khẩn khoản: "Đi với anh". Tôi lắc đầu, bóng hắn vụt lẫn vào dòng người đông đúc trên đường phố, tôi nhìn theo hắn trong lòng bỗng nhói lên một cái gì trỗi dậy giống như sự thương cảm (phút mềm lòng của người đàn bà). Tôi xót xa cho hắn dù biết rằng sẽ chẳng bao giờ tôi đi theo hắn. Đường phố vẫn tấp nập, những dòng người hối hả đi về nhà sau ngày làm việc vất vả.
Tôi chợt nhớ tới đôi giày của chồng, mình phải về đánh xi đôi giày kịp cho anh đi làm tối nay.

Trần Thu Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét