Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009
Lặng lẽ
Tuấn vốn không phải là người có tính cẩn thận nhưng từ khi yêu Vi anh trở nên gọn ghẽ, ngăn nắp, việc sang sửa, thu xếp cho căn phòng của mình ấm cúng đã thành một niềm vui. Ngôi nhà 20 m2 trong một ngõ nhỏ giữa thủ đô (ngày xưa Vi vẫn thường ao ước như vậy) anh đã có; Chiếc xe máy đời mới dựng uy nghi trong góc phòng (Vi thường nửa đùa, nửa thật mong như cô bé trong chuyện cổ tích mơ được mọc cánh lúc hai anh em đèo nhau đi chùa Thầy bằng chiếc xe đạp cọc cạch) anh đã có; Và cả hình tượng về một người đàn ông đủ sức mạnh để Vi nép dưới anh một cách tin cậy...anh đã cố gắng để có được...
Anh nằm trên giường mắt nhìn lên trần nhà, chiếc mạng nhện mỏng tang khe khẽ đu đưa, một con muỗi vụng về bị mắc vào đấy cứ đập đập cánh một cánh tuyệt vọng, một con thạch thùng nằm dán chặt vào tường, mắt chớp lia lịa căng thẳng, đối đầu với nó là một con thạch thùng khác có cái đuôi cụt lủn, dữ tợn sẵn sàng lao vào đối thủ; Con khác tắc tắc lưỡi trong góc phải của mái nhà. Mắt anh lướt đến cái bàn nhỏ bên cạnh giường, chiếc đèn ngủ màu phớt hồng toả ánh sáng dìu dịu cô quạnh (không hiểu sao lần nào ngắm cái đèn này anh cũng hình dung như thật hình ảnh bé bỏng của nàng nằm co như con tôm, một tay kề vào má, một tay cầm cuốn truyện đọc say sưa); Chiếc gạt tàn nằm ngay ngắn giữa bàn vài mẩu thuốc lăn lóc, lọ hoa bằng sứ trắng muốt (anh mua dịp 8 / 3 để tặng cho mình), không có hoa anh dùng để đựng bút và vài thứ linh tinh. Anh với tay vào ngăn tủ bên cạnh giường lấy tấm ảnh của nàng - một bức ảnh chụp tập thể lớp trong đó Vi như một cái chấm nhỏ xíu đứng khiêm nhường phía sau, một lần anh chỉ Vi cho một thằng bạn thân nhìn mà nó không tài nào nhìn ra được vậy mà anh như nhìn rõ hết. Cô bé Vi với mái tóc đen dài óng ánh, cặp mắt to mơ màng và buồn thăm thẳm, cái ánh mắt cứ vô tình khiến người khác phải nao lòng, với người cùng giới thì cảm thấy dễ gần, tin cậy; Với phái mạnh cứ làm họ thấy có bổn phận phải che chở...dù rằng cô không phải là người yếu ớt.
Trời đã xế chiều, ánh nắng mùa đông yếu ớt lọt qua mái ngói thành một vệt in lên tường. Anh đóng kín các cánh cửa lại, bật hết cả 3 bóng điện lên. Em sẽ yêu cái không gian ấm cúng này.
Một ngày đã trôi qua như vậy, có thể trong ngày hôm nay Vi sẽ đến. Vi sẽ gõ cửa, sẽ để đôi giầy ngoài cửa, sẽ bước vào và với dáng điệu hơi vội vã, hơi uy quyền của một người chị nàng sẽ nói pha chút trách móc rằng “Anh thật ngốc, anh định cứ thế này đến bao giờ”...Và anh lại được thấy nàng với tất cả vẻ đoan trang, dịu dàng...
Đã 5 giờ chiều, đôi vợ chồng trẻ bên cạnh ríu rít làm cơm. Anh chồng, một người đàn ông cao, gầy, mái tóc chải hất ra đằng sau và được ve vuốt cẩn thận, vẻ mặt tương đối đẹp nhưng nhìn kỹ thấy hơi khó gần bởi cái vẻ vừa lành lạnh, vừa quan trọng (bệnh nghề nghiệp: anh chàng làm công an giao thông, thường xuyên phải nghe xin xỏ, trình bày; thường xuyên phải giữ vẻ mặt thật nghiêm khắc - không nhìn cụ thể vào đâu anh chàng đọc một tràng dài: “Theo luật về an toàn giao thông qui định...anh, chị, hoặc ông, bà...đã vi phạm...chiểu theo quyết định số...phải...). Anh chàng này giữ thái độ lãnh đạm với mọi người trừ cô vợ mới cưới.
Người đàn bà là dân buôn bán sắc sảo thích những chuyện tình lâm ly và thường vận vào mình đủ mọi thứ mà các tiểu thuyết rẻ tiền miêu tả.
Đối diện với nhà anh là một nhà thơ già sống độc thân. Ông cụ gầy khô như quả chanh bị vắt kiệt, mớ tóc bạc trắng, khuôn mặt khắc khổ giống mặt của một trong các vị La hán chùa Tây phương. Ông sống thanh đạm, ít khi thấy ông vui vẻ, chỉ con chó Nhật luôn quanh quẩn dưới chân là làm ông có vẻ hài lòng chút ít. Thỉnh thoảng con chó lại chạy sang với anh, nó ngồi bệt đít xuống đất, chống hai chân trước lên, nghiêng nghiêng đầu nhìn anh vẻ thân thiện...
Tám giờ tối. Nàng không đến nữa rồi, anh biết như vậy. Nàng là người đàn bà sinh ra là để làm một người vợ tốt, giờ này nàng không thể bỏ mặc “cái tổ” của mình để đi đâu được...
Biết thế nhưng làm gì anh cũng lại nhìn ra cửa. Có tiếng chân bước, anh vội vàng lao ra. Một đứa bé gái trắng xanh đang cầm trên tay con búp bê, mắt nó mở to sáng trong và buồn thăm thẳm. Mắt nàng cũng như vậy, không bao giờ nàng kể về mình còn anh thì ra sức tưởng tượng xem nàng sống thế nào và lần nào anh cũng chỉ nghĩ được đến cảnh: gã trai ấy có nàng trong tay, hắn nhận ở nàng sự chăm sóc chu đáo, nỗi chia sẻ và mọi điều kể cả cái điều là được thoả thuê hành hạ nàng...Một lần nàng bảo: “Em đã buồn biết bao khi sinh con gái, em thương nó...” chừng ấy đủ để anh hiểu nàng đã sống như thế nào.
Anh, một gã đàn ông ích kỷ và nhỏ nhen kinh khủng, những năm tháng ấy anh đã vuột mất nàng, sự trả giá bằng nửa đời còn lại. Anh vẫn chờ đợi, vẫn hy vọng và vẫn biết nàng sẽ chẳng bao giờ đến cho dù anh không còn là thằng người ngày xưa...
Anh khoá cửa đi ra phố, mọi cử động như chậm chạp, uể oải hẳn lại. Khi khoá xong cửa anh bỗng trở nên như khác hẳn. Anh niềm nở chào những người trong ngõ, anh ung dung đĩnh đạc bước đi trong tư thế của một người có trong tay mọi điều kiện để người đời (chí ít là những người hàng xóm) kính nể và không ít người nhìn theo ao ước được như anh...
Anh đến một quán cơm bình dân. Bà chủ bé nhỏ lọt thỏm giữa những chiếc xoong cao to bốc khói nghi ngút, cứ như bị ép khô bởi hơi than và hơi người. Vài đứa trẻ lau nhau chạy ra, chạy vào phục vụ khách. Trên tường vừa được quýet vôi lại, cái màu xanh lơ không đủ che hết những vết cáu bẩn cũ, tờ tranh Thái với cảnh cô gái hở một bên ngực ngồi chồm chỗm bên cạnh một chiếc chảo trên có hai quả trứng, cạnh đó là tờ giấy đỏ chói ghi những dòng chữ nắn nót: “Xin trả tiền trước - Miễn chịu”. Một bàn vài chú nhóc mới lớn đang ba hoa về những chiến tích của mình, bia sủi bọt lăn tăn trong những chiếc cốc vại. Một bàn khác là vài anh cán bộ nhà nước cặm cụi với bữa cơm đạm bạc của mình. Bên cạnh anh là một người đàn ông trung niên và một người phụ nữ cũng không còn trẻ nữa ngồi đối diện nhau, họ ăn uống nhỏ nhẹ và nói chuyện rất nhỏ, người đàn ông tỏ ra chăm chút, âu yếm còn người phụ nữ gắp từng miếng nhỏ bỏ vào miệng rồi cứ ngậm như vậy nhai nhóp nhép một cách kiểu cách. Bữa cơm tối diễn ra lơ đãng, anh bỗng thấy mệt mỏi, cái mệt khác hẳn, không giống nỗi mỏi mệt của người phải làm việc vất vả.
Đêm khuya, anh nằm dài trên giường. Ngày mai không ở nhà nữa, sẽ rủ vài thằng bạn bốc đồng đến và mở một cuộc bia rượu ồn ào cho qua đi một trong những ngày anh chờ đợi nàng, hay đến nhà cô bạn cùng cơ quan với anh ở Bộ Ngoại giao, rủ cô ta đi xem phim, uống cà phê và chịu đựng nếu như cô ta lại gợi ý để anh đưa về nhà?...
Mất điện. Tiếng con thạch thùng lại tắc tắc nghe như xói vào óc. Anh đã gần kề tuổi tứ tuần, có cảm giác như mỏi mệt vì chờ đợi...”Đã qua rồi bao cơ hội được yêu”, không có “bao cơ hội” mà chỉ là một lần trong một đời người thôi. Lũ kiến nối đuôi nhau trên tường mê mải, chúng vô tư bởi chúng không có óc và như vậy thật sung sướng, hay là không phải vậy? không biết nghĩ thì làm sao chúng có tổ chức như thế? làm sao chạm phải con đi ngược đường chúng lại tránh sang một bên?.
Trần Thu Hương
Có một thời như thế
Về cái thời chúng mình đang sống
Đời sinh viên vui, buồn, mơ mộng
Ai qua rồi chẳng dễ gì quên....”
Đúng là chẳng dễ gì quên một thời như thế trong đời. Tôi là người đàn bà được số phận ưu ái – Gần 30 tuổi với một căn phòng nhỏ tiện nghi vừa phải giữa đất Hà Nội, một con gái nhỏ dễ thương, một người bạn đời biết chia sẻ...Cuộc sống thật yên ả vậy mà đâu đó trong tôi vẫn nhớ đến một thời đã qua như thế...
Mười năm trôi qua, rất nhiều sự kiện đến với mình và tôi vẫn nghĩ: Thời sinh viên thật đẹp đẽ biết bao, cái thời tôi thực sự biết đến tình yêu, cả tình yêu đích thực lẫn tình yêu lầm tưởng...Tôi sẽ viết về nó.
L.TônXTôi nói: “Làm sao chúng ta có thể không yêu một người nào đó được khi chúng ta biết rằng tất cả đều đã bị tuyên án phải chết”. Không có tình yêu làm sao những kẻ mơ mộng và cả tin như tôi sống nổi? Tôi đã gặp hắn – một giáo viên giảng dạy ở trường, đại diện cho những ông thầy có quá ít phẩm chất sư phạm.
Năm ấy tôi bước sang tuổi 19. ở quê tôi vắng vẻ và cổ xưa như cái đình làng cũ mốc vừa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá đời Trần. Tôi không biết gì hơn ngoài những điều sách vở dạy (chồng sách, truyện cao ngất ngưởng bố tôi chắt chiu mua cho tôi). Tôi bước vào trường và mang theo mình nền văn minh của làng quê lặng lẽ sau tre trúc, không mảy may tin rằng có thể có một cái gì không tốt đẹp ở trên đời. Hắn xuất hiện trong đời tôi đột ngột và trơ trẽn không cần giấu giếm. Hắn có bộ mặt bất cần, cái vẻ bất cần của một kẻ biết mình có gì. Phải công nhận hắn đẹp trai - đẹp một vẻ trai lơ, quyến rũ, cặp môi đỏ với nụ cười nham nhở thường trực, cặp kính cận tạo cho hắn vẻ trí thức và ngôn ngữ của hắn thì trời ơi là gớm guốc. Hắn bảo: “Cô bé thật lãng mạn, bọn đàn ông muốn kéo em đi chơi thì đừng đi, đừng bao giờ ngồi sau xe máy của bọn chúng ra khỏi cổng trường”. Tôi tin hắn và sợ hắn, sợ những lời nói trắng trợn của hắn.
Một tối Nôen rét buốt, cả phòng tíu tít trang điểm và từng đôi, từng đôi đi hết, một mình tôi với căn phòng mất điện, cũng điểm trang một cách cầu kỳ rồi ngồi co ro trong góc của mình. Hắn đến, người ướt sũng nước, tối đen, chỉ có cặp kính trắng và những vệt nước trên chiếc áo da là ánh lên bàng bạc...Hắn bảo: “Tôi thích những cô bé tự nguyện. Đi với tôi”. Tôi rùng mình sợ hãi.
Mỗi lần hắn đến là một lần tôi bàng hoàng trước những lời nói và vẻ mặt của hắn, vừa sợ, vừa kích động trí tò mò. Tôi không yêu, không có cảm tình nhưng tôi không căm ghét. Trước mắt tôi hắn đẹp trai và thông minh, hắn tràn đầy khí chất đàn ông khiến những cô bé dút dát như tôi kính nể – tính cách hắn lạ lùng. Hắn cần những tình cảm tự nguyện và hắn đã có rất nhiều những cô sinh viên tự nguyện...
Chỉ có tôi, không hiểu sao mỗi lần cặp môi đàn ông mọng đỏ nhếch lên là tôi sợ. Hắn chìa chiếc chìa khoá vào mặt tôi và nói như ra lệnh (lần nào cũng vậy): “Hãy đến phòng tôi và chờ tôi ở đấy”. Tôi lắc đầu, lại một cái nhếch mép nửa như mỉa mai, nửa như thương hại và cái dáng thanh thản đến bất nhã của hắn lại lướt đi trên chiếc xe máy màu xanh.
Một lần tôi ốm, hắn đến và đem theo rất nhiều thứ, hắn chẳng hỏi một câu chỉ bảo: “Cô bé hãy bớt tự làm khổ mình đi, đừng thổi phồng mọi thứ lên làm gì”. Cái Hương lớp tôi, con bé đơn giản và tốt tính bảo: “Kể ra ông ấy kinh khủng thật đấy nhưng trong chuyện này ông ấy thật thiết thực”.
Trong căn phòng 16m2 ấy các bạn tôi sống vui tươi và giản dị tới mức đơn giản. Chúng nó yêu, được yêu và rất bằng lòng với tình yêu ấy. Tại sao mình không thế được nhỉ? Có lẽ cái cuộc sống ở nơi thôn dã với mọi thiếu thốn cực nhọc, với những khát khao cháy bỏng đã làm tôi trở thành thế chăng?. Một cô bé nông thôn ở cái rốn trũng nhất của đồng bằng Bắc bộ quanh năm ngập úng, không đài, không điện, mà bi kịch thay tôi bẩm sinh đã là một cô bé mơ mộng, thích hiểu biết trong khi cái đám bạn tôi ở nông thôn chúng nó cứ hồn nhiên sống như cây cỏ không cần biết đến cuộc sống nào khác hơn cuộc sống lặng lẽ ở làng quê. Tôi nhớ từ hồi còn rất bé tôi thường tìm một mô đất cao nhất để mỗi khi chiều xuống tôi có thể tù đó mà nhìn về thành phố, nơi có ánh điện sáng rực cả một góc trời và cái đèn đỏ trên tháp nước cao không hiểu sao cứ gợi cho tôi những liên tưởng về một cuộc sống mà ở đó tôi được nhìn thấy khuôn mặt thanh thản của những người xung quanh (chứ không phải là cái lam lũ, khổ cực in hằn trên nét mặt người nông dân), được thấy xung quanh những hiệu sách đầy ắp, thấy rạp chiếu bóng với những phim, những vở kịch...Và bao giờ cũng vậy, những lần ấy tôi thương bố mẹ, thương những người xung quanh tôi vô cùng. Họ thiệt thòi quá.
Dạo ấy có một chàng trai không hiểu sao làm tôi yêu mê mệt. Người ấy cũng đẹp một vẻ đẹp hào hoa, phong nhã. Mắt nâu, tóc hơi xoăn, ăn mặc chải chuốt và nụ cười xã giao với tất cả mọi người. Tôi biết người ấy cũng hời hợt, tình cảm chung chung và có vẻ trống rỗng nhưng tôi yêu anh ta bởi giọng hát mê đắm lòng người, bởi nét mặt và ánh mắt nhân hậu và bởi anh ta cũng mơ mộng bay bổng như tôi...
Đến một ngày tôi nhận ra rằng anh chàng "lãng tử" mắt nâu của tôi thiếu hẳn những cái tôi cần. Tôi bảo : "Với em anh chỉ là một đứa em út bé bỏng cần được nuông chiều và chăm sóc chu đáo". Quả thật tôi không chịu nổi những người đàn ông dễ bị tổn thương và tình cảm nhợt nhạt. Tôi vẫn làm những vần thơ cho chàng "lãng tử", vẫn lặng lẽ chăm sóc mỗi khi anh ấy ốm đau và mỗi mùa thi vất vả nhưng trong tôi tình cảm cứ vuột mất dần, tôi trở về lặng lẽ với những việc của mình, tìm nguồn vui từ kết quả học tập, tối thứ 7 cùng mấy người bạn chưa có người yêu ra ban công ký túc xá nghêu ngao hát, mùng 8 tháng 3 tự mua hoa tặng cho mình.
Hồi ấy cũng có rất nhiều chàng trai đến với tôi. Một " nhà thơ" ưa thổi phồng mọi thứ. Thơ của anh mộc mạc nhưng mỗi lần đọc anh ấy bao giờ cũng nhấn mạnh ở câu đầu và lướt đi ở câu cuối một cách trịnh trọng. Tôi thường buồn cười trước vẻ đạo mạo thái quá ấy.
Một "cậu ấm" được chiều chuộng quá tới mức ngốc nghếch. Cả phòng tôi gọi anh chàng là chú gà công nghiệp. Tôi không tham dự vào những trò đùa tai quái của lũ bạn, mỗi lần chúng trêu chọc là tôi phải tìm cách giúp anh ấy thoát ra khỏi "trận đồ bát quái" của chúng nó.
Một lần quá thất vọng về những người này tôi đã mỉm cười trước lời đề nghị của ông thầy nọ. Hắn chở tôi qua cầu Chương Dương, trăng sáng vô cùng, hắn nói những gì tôi không hiểu, trong đầu tôi không hiểu sao cứ hiện lên câu của Bunin "Mặt trăng là một thiên thể chết toả sáng", có lẽ khi viết câu này ông ấy cũng có tâm trạng không được thanh thản lắm. Qua những cánh đồng lạnh lẽo, những thửa ruộng mới gặt trơ những gốc rạ ...Tôi bỗng sợ, tôi bảo: "Cho em về..."
Đường về trường cứ như dài mãi... Hắn bảo: "Em thật đẹp, sao em lại phí phạm một cách vô ích những cái ấy nhỉ?" Tôi bảo: "Cái gì cơ?" - "Cái đức hạnh dở hơi của em ấy. Anh yêu em thật đấy".
Tôi lặng người đi, một cảm giác kinh tởm và thất vọng, tôi chạy như một kẻ bị ma ám, về đến phòng nằm vật ra giường, vài sợi cỏ vương trên áo rơi xuống, tôi rùng mình và bật cười. Thật may mắn sao cho những phút giây dại khờ của tuổi 19. ấy vậy mà tôi không sao xua đi được hình ảnh của hắn, tôi vẫn ngưỡng mộ hắn như kẻ mộng du. Tôi vừa sợ hãi lại vừa muốn nghe những lời trắng trợn của hắn. Cho đến một lần trường tổ chức đi thăm Động Hoà Bình, tôi hăm hở đi đầu tiên, nhưng rồi đuối sức cứ tụt mãi lại sau. Ông thầy người Thanh Hoá có điệu cười hềnh hệch mà lần nào nghe thấy tôi cũng có cảm giác ngượng và thương hại lẽo đẽo đi sau tán tỉnh những câu vô nghĩa. Trời đang mưa bỗng nắng vàng rực lên một cách đáng ngờ, tìm một khóm cây mát mẻ tôi chui vào định sẽ ngồi đây ngắm nhìn xuống phía dưới và chờ mọi người. Tất cả đập vào mắt tôi - Hăn và một cô bé cùng trường, chính cái cô bé mũm mĩm mà mặt không toát lên điều gì ấy... vẫn là những động tác ấy và những sợi cỏ vương trên người...Đất như từ từ lún xuống dưới chân, tôi ngồi sụp xuống và tưởng như không gì làm tôi tin được nữa. Hắn - kẻ luôn lên giọng đạo đức và dạy tôi những bài đầu tiên về tình yêu hiện đại.
Hắn yêu tôi bởi tôi trong trắng và giàu đức hy sinh (hắn bảo hắn biết xem bói), hắn là người đã tỏ ra tôn trọng tôi và gìn giữ...trình độ bịp bợm thật cao thủ, cũng may sao mình sớm nhận ra điều đó, tôi tự nhủ mình. Tôi không tin bởi lần đầu tiên bước ra ngoài cuộc sống thôn dã của mình tôi đã gặp một người đàn ông hào hoa nhưng hời hợt, một người tưởng là tràn đầy khí phách đàn ông nhưng vô cùng thâm hiểm, tráo trở, và trong cái ánh nắng vàng nhẩy nhót vui vẻ hôm ấy có cả hình ảnh ông thầy người Thanh Hoá đội mũ nồi, tay cầm cây mía để chống đang lết những bước nặng nhọc lên dốc, miệng vẫn cố giữ nụ cười vô nghĩa...
Tôi không yêu. Thâm tâm tôi thầm kêu lên như vậy nhưng không hiểu sao tôi buồn, hình ảnh của hắn vẫn ám ảnh tôi và tôi vẫn đợi những lời như ra lệnh của hắn: đi theo anh, dù tôi biết rằng tôi không bao giờ đi theo hắn.
Ngày tháng trôi qua, tôi trở thành một người trầm tĩnh, nét u uất vương trên mặt. Những đêm không ngủ, tì mặt lên cái lan can ban công lạnh buốt, tôi tự nhủ không được khóc. Tôi lớn lên nhiều, không còn là cô bé nông thôn mơ mộng và khao khát nữa. Không hiểu sao tôi cứ thường hay hay nhớ về vùng quê nghèo của mình. Nhà tôi nằm ở ngay cổng bệnh viện - bệnh viện cho những người mà Sêkhốp gọi là "trí óc khác thường". Họ cười, nói vô tư như trẻ con, có người nghe thấy trong đầu có tiếng tiếng nói và suốt ngày họ lẩm bẩm nói chuyện với những tiếng nói ấy, có người luôn tưởng mình là một giáo sư uyên bác và triết lý những câu ngớ ngẩn nhưng lại rất bằng lòng vì cứ nghĩ đó là những triết lý phi thường, có người hoàn toàn vô tri cứ nhảy những điệu nực cười với những con thiêu thân bay trước mặt...
Tôi đã chứng kiến những chuyện đó và chứng kiến nỗi vất vả cực nhọc của người nông dân, chứng kiến những con đường vắng ngắt, sâu hút sau luỹ tre làng...Tất cả đọng lại trong tôi như một quãng đời ẩn dật. Tôi thèm được bay nhảy, được yêu và được thoát ra khỏi mọi ràng buộc. Có phải vì vậy mà tôi cần một người hiểu biết và mạnh mẽ như hắn dù biết rằng hắn chỉ là một kẻ đê tiện tầm thường?
Ngày tháng trôi qua, tôi tự tìm cách an ủi mình, trầm lặng làm thơ và lao vào học. Tôi hiểu ra rằng tất cả những mơ ước của mình trước đây chỉ là những ý nghĩ phù phiếm, những chốc lát dại khờ. Tôi cố học và cố tìm cách tự hoàn thiện mình, rồi cái gì đến sẽ đến, tôi tự an ủi như vậy.
Cho đến một ngày điều đó đã đến. Đó là vào một đêm mùa đông giá lạnh, tôi tha thẩn đi trong sân trường. Đêm ở trường đại học ít yên tĩnh, tiếng xô chậu vẫn vang lên lanh canh ở khu bể nước, đâu đó có tiếng đàn ghi ta bập bùng, những chiếc bóng điện bảo vệ sáng một màu vàng đục đơn lẻ...Bàn chân tôi dừng bên một khung cửa sổ sáng ánh đèn, cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao ngay từ cái buổi đầu tiên ấy khi nhìn anh tôi đã linh cảm thấy rằng đến trọn đời mình tôi sẽ thuộc về anh - một con người bình dị đến mức nếu vô tình có thể lướt qua..., ánh mắt hiền từ, trung thực, trên nét mặt bao giờ cũng phảng phất vẻ hồn nhiên trong sáng và cái đêm ấy tôi đã thèm được gục lên khuôn ngực ấm áp của anh biết bao...Tôi yêu anh bằng tất cả những gì tôi có thể, mười năm trôi qua, gia đình của chúng tôi hạnh phúc, hạnh phúc đến se lòng.
Một hôm tôi gặp hắn. Hắn đỗ xịch xe trước mặt tôi, vẫn như xưa hắn nhếch mép cười. Cặp môi đàn ông mọng đỏ có lẽ đến bây giờ vẫn làm nao lòng bao cô gái trẻ. Hắn bảo : "Thằng cha ấy có làm em hối hận không? Hắn gặp may đấy!" .
Hắn kể về những cuộc trăng gió của hắn, kể về cuộc cưới xin kỳ lạ của hắn với một người đàn bà hơn hắn 5 tuổi đã có một đời chồng và hai đứa con nhỏ...Hắn khẩn khoản: "Đi với anh". Tôi lắc đầu, bóng hắn vụt lẫn vào dòng người đông đúc trên đường phố, tôi nhìn theo hắn trong lòng bỗng nhói lên một cái gì trỗi dậy giống như sự thương cảm (phút mềm lòng của người đàn bà). Tôi xót xa cho hắn dù biết rằng sẽ chẳng bao giờ tôi đi theo hắn. Đường phố vẫn tấp nập, những dòng người hối hả đi về nhà sau ngày làm việc vất vả.
Tôi chợt nhớ tới đôi giày của chồng, mình phải về đánh xi đôi giày kịp cho anh đi làm tối nay.
Trần Thu Hương
Nguyệt
Nguyệt là đứa bạn thân duy nhất của tôi – Hai đứa tính cách trái ngược nhau; tôi gai góc, sắc sảo- nó nhân hậu, yếu ớt vậy mà chúng tôi lúc nào cũng như gắn chặt vào nhau.
Nhà Nguyệt nghèo, bố nó hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, một mình mẹ nó phải nuôi ba đứa con. Một tối trăng sáng, mẹ nó và mẹ tôi chải chiếu ngồi ngoài hè hóng mát, tôi nghe mẹ nó bảo:
-Con Nguyệt nhà tôi nó khổ từ trong trứng, bố nó về thăm nhà một ngày trước khi vào chiến trường, tôi mang thai nó, sắp đến kỳ sinh nở thì nhận giấy báo tử của bố nó, tôi vật vã qúa nên sinh nó ra thiếu tháng ....
Bác Hà mẹ cái Nguyệt lặng lẽ như cái bóng, suốt ngày cặm cụi với mấy luống hoa, thi thoảng lại ngất xỉu, tay chân co quắp làm tôi sợ hết hồn, cái Nguyệt thì khóc ròng còn mấy ông bác sĩ đến khám cho mẹ nó thì tỉnh bơ như không có chuyện gì, họ gọi cái tên bệnh của mẹ nó bằng những cái từ gì đại loại như xi... hoặc xê gì đó với một vẻ đầy bí ẩn.
Tôi và Nguyệt giống nhau ở chỗ mơ mộng. Buổi chiều lúc sắp tắt nắng, tôi và nó lang thang ra bờ sông Châu - con sông ước xanh ngăn ngắt những rêu là rêu, ven bờ đàn cá mương người mỏng dính lấp loáng ve vẩy bơi, những con ốc rêu phủ kín người lặng lẽ bò, trên con sông có vài chiếc thuyền nan gõ cành cạch lùa cá vào lưới, tiếng gõ nghe khô nhắc buồn tẻ. Bên kia sông những vạt hoa cải vàng rực lên dưới ánh nắng chiều. Quê tôi nghèo, cái nghèo như đóng chặt xuống làng xóm từ thuở của ông Nam Cao tới giờ. Những người nông dân suốt ngày lầm lụi làm việc, đến gặp nhau cũng không biết nói gì khác ngoài những câu “ Đi đâu đấy ?, Ăn cơm chưa ?”...Những câu hỏi chỉ để mà hỏi để rồi quên ngay sau đó.
Tôi và Nguyệt chia sẻ với nhau những chiếc áo bằng vải phin thô kệch được cắt may bởi nhát kéo vụng về của những bác thợ may làng và cùng tưởng tượng ( và ước ao) cuộc sống đẹp đẽ ở thành phố. Những đêm tối trời ngồi trên một mô đất cao nhìn về quầng sáng phía xa xa hình dung đó là Hà Nội....
Một ngày người thứ ba xuất hiện giữa hai chúng tôi. Hắn người thành phố! cao ráo, da ngăm đen, tóc chải lượn sóng ở mái, lời lẽ lưu loát. Tôi không có cảm tình ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên, còn cái Nguyệt thì ngất ngây. Nó yêu và chìm đắm vào đấy nhanh như bị bùa.
Mẹ và các anh của nó phản đối kịch liệt; Bác Hà mắt xưng húp vì khóc nhiều, anh Khải hay pha trò là thế mà nay cứ hầm hầm, anh Đại ở xa viết thư về liên tục... Hắn nhếch mép cười khẩy và bảo:
-Mình bị rơi vào trận đồ bát quái.
Cái Nguyệt cười ngượng gạo méo xệch. Tôi biết là nó cũng chẳng biết thế nào là “ Trận đồ bát quái” đâu. Tôi bảo:
-Ông ấy là gã ba hoa, trơ trẽn và ác nữa, mày đừng tin ông ấy. Nó không nói gì chỉ chớp làn mi mắt đen dài thăm thẳm xuống- cái nhìn xuống của nó cứ làm người khác phải nao lòng. Tôi thương nó vô cùng.
Tối tối gã kể cho nó nghe về những cuộc “làm ăn’ của gã với vài thằng bạn chạy hàng vật liệu xây dựng, giọng của một kẻ “một tấc tới giời” ; hắn mang theo một chiếc đàn ghi ta bập bùng vài giai điệu đơn điệu và ngêu ngao hát với vẻ tự tin của một nghệ sĩ.... tôi hiểu gã đang diễn thành công màn kịch của mình, gã có nhiều thứ vũ khí ( không cần tinh vi lắm) để mê hoặc cô gái quê chân chất đến ngờ nghệch. Hắn hứa hẹn một cuộc sống ở thành thị với đủ mọi thứ văn minh; hắn có vẻ bề ngoài thật khác xa với mấy thằng bạn đen đủi; thật thà, nói năng ngượng nghịu, hắn hiểu biết rất nhiều lĩnh vực và biết khoe sự hiểu biết ấy bằng những từ hoa mỹ v v...
Tôi nhớ đến những ngày tết - sáng mùng 1 Tết làng xóm vắng ngắt, mưa lâm thâm, bùn nhóp nhép, cây lá ướt đẫm nước mưa và xanh đen lại dưới tiết trời ảm đạm, Nguyệt cầm ở tay 2 cành ô rô đưa cho tôi một cành nó bảo: Tết mà chẳng khác gì ngày thường, tao đi hái lộc, cho mày một cành cắm vào nhà lấy may.
Nói rồi tôi và nó cùng quay mặt đi - mắt hai đứa đỏ hoe.
Thằng Hoàng “còi” _ cái thằng học giỏi nhất trường, tính tình điềm đạm, sau khi tốt nghiệp phổ thông nó vào bộ đội đóng quân ở Hà Bắc, một lần được về thăm nhà Hoàng đến chơi với chúng tôi và gặp hắn _ Hai người đã quen biết nhau vì từng ở cùng một tiểu đội. Hắn thoáng lúng túng, cái lúng túng chỉ thoảng qua một tích tắc rồi lấy lại vẻ trơ nhẵn, ngạo mạn như cũ.
Hoàng “còi” đã cho chúng tôi biết về hắn: từng lừa gạt một cô bé 16 tuổi ở chỗ đóng quân_ người nhà của cô gái đến đơn vị yêu cầu hắn có trách nhiệm sau khi biết hắn đã lén lút đưa cô bé đi phá thai, hắn quanh co chối tội và chỉ cúi đầu nhận lỗi khi có những bằng chứng không thể chối cãi. Đơn vị kỷ luật đuổi hắn về quê.
Cái Nguyệt mặt trắng bợt như sáp ong, nó không còn khóc được nữa.
Còn tôi, lần đầu tiên trong đời có ý mong muốn cho người khác gặp tai hoạ_ tôi nghĩ ra cảnh hắn đi xe máy ( một lần hắn mượn của ai đó và đi đến đây) một cây tre uốn cong ven con đường làng nhỏ bé chọc vào bánh xe, một ai đó lực lưỡng như anh Điền cạnh nhà tôi đánh hắn một trận thừa sống thiếu chết, một cái gì đại loại như vậy để xoá đi cái bộ mặt nhơn nhơn khả ố ấy trên làng quê yên ả của chúng tôi.
Tôi ôm lấy nó và bảo:
- Chưa muộn đâu mày ạ, mình sẽ quên những chuyện vừa rồi đi.
Một tháng sau tôi vào đại học, Nguyệt ở nhà. Cuộc sống mới ùa vào tôi, chỉ có điều tôi vẫn rè rặt với những người thành phố. Tôi nhận tin Nguyệt chuẩn bị ăn hỏi và chồng nó vẫn là hắn. Tức tốc đáp tàu về nhà, nó bảo nó không thể khác được, nó đã từng có những kỷ niệm sâu sắc với hắn....Nó sợ nó sẽ không lấy được ai ở cái làng quê hẻo lánh này, người ta sẽ đày đoạ, dằn hắt nó khi nó không còn trinh tiết v.v...Tôi giận nó, giận cả cái không khí nặng nề, hủ tục của quê làm cho Nguyệt nên nông nỗi ấy và tôi đi.
* * *
Bảy năm trôi qua. Mỗi lần về thăm nhà tôi không tìm ra được hình dáng mảnh mai với mái tóc dài cặp trễ sau lưng và giỏ đồ với đủ mọi dụng cụ thêu thùa của con gái – Tôi thấy một chị Nguyệt khắc khổ, héo hon trên chiếc xe đạp cà tàng ngày nào cũng đi đường vòng xa thêm 8km chỉ để tiết kiệm 1000 đồng tiền qua phà mỗi ngày...
Nghe nói hắn đánh đập Nguyệt dã man và không lần nào quên mỉa mai về chuyện :
- Mày chả ước ao được thoát khỏi quê là gì, mà muốn thoát thì chính tao mới giúp thoát được...
Tôi tốt nghiệp đại học được ở lại Hà Nội – hàng ngày tôi thấy đường phố đông nghịt, thường xuyên bị tắc đường – các rạp vẫn trương đủ loại băng rôn quảng cáo, ngoài đường những tà áo dài, các loại váy nội, ngoại...phấp phới, tôi vẫn nhớ làng quê yên ả của mình, cố tìm lại một tuổi thơ đã qua cho dù tuổi thơ ấy thiệt thòi và vẫn mong được thấy Nguyệt vẫn là một cô bé nhân hậu, tốt bụng... như thuở xưa...
Trần Thu Hương
Tản mạn Tháng ba
Bây giờ là tháng Ba – mưa phùn lây rây suốt ngày đêm, cảnh vật sũng nước, bầu trời ảm đạm. Tháng Ba hoa gạo đỏ, màu đỏ lẻ loi trên thân cây gạo bơ vơ trên những con đường nhỏ, màu đỏ giữa đất trời xam xám tạo nên một sự tương phản cứ như tạo hoá đang giễu cợt tâm trạng con người. Rồi hoa xoan tím biêng biếc lắc rắc rơi. Cũng thật lạ là mỗi mùa xuân về, khi những cành xoan khẳng khiu đâm chồi nẩy lộc, vãi từng chùm hoa kín mặt đất là tôi lại thấy bâng khuâng nhơ nhớ một cái gì...tại sao lại không phải là những thứ hoa ly ly, đồng tiền, lay dơn, cẩm chướng...đang đua sắc rực rỡ mà lại là hoa xoan nhỉ? Phải chăng những bông hoa tim tím bé xíu dịu dàng đã đi vào tâm trí tôi với những kỷ niệm của tuổi thơ yên ả? Phải chăng hoa xoan gợi tôi nhớ da diết đến vùng quê nghèo của mình, nơi lũ trẻ chúng tôi thả trâu trên gò bãi của làng rồi đuổi nhau chạy chí choé, có khi lại bắt những con cào cào, châu chấu xâu thành chuỗi dài đeo ở cổ, lúc lại bắt ốc, bắt cua..và ngồi nhặt cỏ may bám gấu quần cho nhau trong ráng chiều rực đỏ; nơi tháng Ba – sau hội làng, trong tiết mưa phùn bàng bạc, cả làng xóm chìm trong một màu phớt tím và thơm hăng hắc của hoa xoan; nơi tình người mộc mạc “Tối lửa tắt đèn có nhau”....Sau này khi đã cố gắng học tập với một mong muốn quyết liệt là được ra thành phố để mở mang tầm mắt, để khám phá xem bên ngoài cổng làng ngút ngát gió là gì bất chợt một khoảng khắc tôi nhớ da diết quê khi tháng Ba về, những hạt mưa lây phây suốt tuần làm xanh đen cả những tán cây sấu ven đường Trần Hưng Đạo, đường Trần Phú. Tìm đâu một cây gạo rực đỏ như cây gạo đầu làng tôi, tìm đâu ra một hàng xoan giữa Hà Nội bây giờ?. Tôi vòng xe lên Hồ Tây nơi thi sĩ tài hoa Xuân Quỳnh từng viết:
“Bây giờ mùa hoa xoan
Tím một vùng Quảng Bá
Sóng ven hồ cứ vỗ
Xanh một màu mây che.....”
mong gặp hoa xoan, nhưng chẳng còn đâu bóng dáng của xoan cả, thỉnh thoảng bắt gặp những chùm hoa vông vang (“hoa gạo” của Hà Nội) nở đỏ le lói trên những thân cành khẳng khiu như một nét rất riêng và cũng rất đáng yêu. Lạ thế, mùa hạ hoa phượng đỏ thắm cả đất trời, hoa bằng lăng tím từng dãy phố, vui mắt là thế lại không thấy bâng khuâng, chạnh lòng như bất chợt trong tháng Ba, giữa đất trời mù mịt bắt gặp một màu đỏ của hoa gạo, hoa vông vang, màu tím của hoa xoan. Mỗi khi nhìn từng chùm bông vông vang nở, nhìn những đốm hoa gạo đỏ chói giữa trời, nhìn những thảm hoa xoan dày kín lối đi...lòng tôi lại bồi hồi khó tả. Sao trông những bông hoa Tháng Ba này dễ thương mà lại mang một nỗi buồn man mác đến thế? và lòng chợt nghĩ đến một lúc nào đó ta không rung cảm trước mỗi độ tháng Ba về, không còn thấy bâng khuâng trước một cảnh sắc thiên nhiên dù là mùa xuân, mùa hạ, mùa thu hay mùa đông thì hẳn đời mất đi nhiều phần ý nghĩa.
Trần Thu Hương
Xói mòn ký ức
“Quê hương ai cũng có một dòng sông bên nhà...”. Thuở bé nhà tôi ở ven sông Hồng mạn ngược, nơi dòng sông Cái bắt đầu chảy vào Việt
Năm tháng qua đi, bọn trẻ chúng tôi đã lớn khôn, đã biết yêu và khi chia tay với mối tình đầu thơ mộng tôi đã viết những dòng cảm xúc:
“Anh với em chung một dòng sông
Anh bên bồi còn em bên lở
Bên anh ánh phù xa màu mỡ
Xô nước xoáy tròn cuốn lở phía bên sông
Bên bồi anh vững chãi lúc bão dông
Để bên em xói mòn theo năm tháng...”
và giờ đây, khi đã sinh sống tại thành phố song ký ức tuổi thơ và hình ảnh con sông Hồng như vẫn còn tươi nguyên. Hôm vừa rồi có bạn thân từ Lao Cai về chơi, hai đứa rủ nhau ra phía cầu Long Biên ngắm sông Hồng – con sông chất chứa đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ. Mùa này nước cạn, mấy chục năm mới có một mùa cạn đến như vậy. Đứng trước con gió lộng mà lòng thấy xót xa quá, sông Cái mà như mấy cái lạch nước nhỏ, những doi cát nham nhở, ngập rác, cỏ dại lưa thưa, những căn nhà của những người thuyền chài tạm bợ chênh vênh ven bờ chờ mùa nước lên...thật buồn!. Vậy mà tuổi thơ tôi đã từng rón rén thò từng chân xuống dòng nước cuộn chảy với cảm giác vừa thích thú vừa sợ hãi trước vẻ hùng vĩ của sông Hồng. Mùa nước cạn thuở ấy sông như dải lụa hồng, nhìn từ bờ bên này sang bờ bên kia vẫn mênh mông, tít tắp....
Chỉ mong mùa nước về, sông Hồng lại cuộn chảy mang dòng phù sa màu mỡ cho những mùa vàng bội thu như món quà tặng vô giá của thiên nhiên cho con người, để tôi được bồi hồi nhớ những kỷ niệm xưa...
Thu Hương