Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

Mơ ước

Tết của người đàn bà khi đã bước qua cái ngưỡng 30 tuổi không còn phấn chấn, náo nức như thuở nào nữa, thay vào đó là cảm giác hơi chông chênh giữa một thực tại là tuổi già sồng sộc tới mà mọi cái còn mù mịt khói sương và hạnh phúc nhỏ nhoi phải cật lực mới giành được.
Chiếc xe lướt trên con đường nhựa óng ả, không hiểu sao lần nào về quê Thu cũng thấy nao nao rất khó tả. Hàng ngày đến công sở nhốt mình quẩn quanh trong toà nhà kính, mùa đông gió rít u u, mùa hè máy điều hoà kêu ro ro, giải trí bằng mạng Internet thì thấy thông tin cứ rối tinh rối mù...Thu thèm được nhìn ngắm làng mạc và cái vẻ lặng lẽ của làng ẩn mình sau tre trúc, những mái nhà xinh xắn ẩn hiện sau các vườn cây ăn quả, những cây chanh sai chĩu chít ngả mình ven bờ ao...Thèm được chân đất chạy trên những bờ ruộng đầy hoa me tím biếc, nhìn cánh đồng hoa cải vàng rực trong ánh ráng chiều...và dường như chẳng bao giờ Thu quên được mình là người nhà quê.
Mùng 4 tết, Hải đến. Thu hơi bất ngờ bởi không thể hình dung là anh có thể bỏ cả hai cái bệnh viện tư ngập ngụa công việc ở thành phố Hồ Chí Minh, một bà vợ và hai con nhỏ.. của anh để về quê ăn tết.
Hải nhìn Thu, vẫn cái nhìn đăm đắm:
- Em sống thế nào?
- Mọi điều đều tốt, không có gì đáng phàn nàn. Còn anh?
- Lúc đầu thì vất vả còn bây giờ thì cũng tạm ổn.

Họ lại im lặng. Thu nhớ đến một thời xa lắc: trong khi rất nhiều chàng trai hào hoa phong nhã đến với Thu thì Hải lặng lẽ, cần mẫn, chăm chút Thu theo kiểu của mình. Học năm thứ nhất Đại học Y Hà Nội anh đã vào Đảng, ra trường tình nguyện đi Campuchia, khẳng định mình và tiến thân bằng vẻ điềm đạm, không mất lòng ai...Dạo ấy Thu không chịu được kiểu người điềm đạm và già như ông cụ của Hải. Sau đó anh lấy vợ, hai cậu con trai kháu khỉnh và thỉnh thoảng có điều kiện gặp lại, hoặc thông qua những người bạn anh vẫn ngầm cho Thu biết anh yêu Thu đến nhường nào. Thu thì tự cho là mình kém may mắn. Lấy chồng xong là phải lao vào kiếm sống như điên - Thân mình thì chẳng nghĩ làm gì nhưng còn con...Cuộc sống ở thành phố lúc nào cũng phải căng mình lên, vì vậy mà cứ sau một ngày về đến nhà là thấy người cứ oải ra, chỉ thèm được có lúc nào đó trở về đúng là mình - nhỏ bé, mềm yếu, yêu và được yêu...nói tóm lại là tất cả những gì rất chi là phụ nữ...Càng lớn tuổi Thu lại càng trở nên đa cảm. Trái ngược hẳn với cuộc sống bươn chải của cô. Dường như cái chất mơ mộng vẫn luôn cựa quậy trong Thu.
Buổi trưa đứa em Thu bảo:
- Hôm nay chị Hạnh cũng về ăn tết đấy chị Thu ạ.
Cách đây vài tháng Hạnh gọi điện cho Thu từ thành phố Hồ Chí Minh thông báo vài tin ngắn gọn về việc làm ăn, còn lại là hỏi han tỉ mỉ cuộc sống của Thu cứ như là làm thế nó mới yên tâm ấy.
Trong đám bạn bè thân nhau hồi học phổ thông Hạnh là đứa quyết đoán và năng nổ hơn cả. Thích mặc quần bò, áo rộng, dáng thể thao. Học đến đại học rồi vẫn cứ băn khoăn mãi về chuyện “không hiểu sao khi yêu người ta cứ phải hôn vào môi mới được, sao không phải là trán hay má?”. Hạnh giỏi các môn tự nhiên. Nó mơ ước sau này sẽ trở thành bác sĩ. Học đại học y xong không xin được việc, loay hoay thế nào nó lại rơi vào thương trường.
Tối, Thu đến nhà Hạnh. Vẫn hàng rào dâm bụt được cắt tỉa gọn gàng, những luống đất cạnh giếng ngày nào hai đứa lụi hụi trồng hoa... Hạnh không thay đổi gì nhiều, chỉ rắn rỏi hơn và ngôn ngữ có phần mạnh bạo hơn.
- Sao mày không đưa con bé về thăm ông bà một thể?

Hạnh thở dài:

- Nó không thích tao nên tao đành để cho nó ở với ông ấy sau khi ly dị.
- Mày thấy mày đúng hay ông ấy đúng?
- Ông ấy đúng.
- Tại sao mày thấy ông ấy đúng mà mày không sửa?
- Vì quá muộn rồi.
Hai đứa đèo nhau đến nhà Tâm. Căn nhà tuềnh tuoàng ở vệ đường làng vừa làm cửa hàng may, vừa làm chỗ ở của ba mẹ con. Hai đứa bước vào nhà, Tâm luýnh quýnh mời ngồi mà không biết ngồi vào đâu, nghe nói có bộ bàn ghế ông chồng nát rượu và cờ bạc đã bán mất rồi. Tâm xanh xao, mắt quầng thâm và già như một bà cụ. Nó bảo:
- Chúng mày ở xa, không biết chứ tao khổ lắm.
- Thôi bà ơi, chúng tôi hình dung ra cả rồi. Bây giờ trông vào hai con chó con này mà vui này.
Thu bế thằng bé đang lê la dưới đất với vài cuộn chỉ lên lòng mình và kéo con bé lớn đang bẽn lẽn nép sau cánh cửa lại.

Ngày xưa, khi ở bên nhau có biết bao nhiêu chuyện để nói. Chuyện ở lớp, chuyện yêu đương, và nhiều hơn cả là chuyện mơ ước tương lai. Thu giỏi văn lên bao giờ cũng mơ là phóng viên của một tờ báo Trung ương, với máy ảnh đeo trước ngực và những bài báo sắc sảo nằm trong cặp, lại còn xe máy phóng như bay trên đường mỗi khi đi lấy tin, rồi bao mối giao tiếp...Tâm là hoa khôi của trường lại giỏi tiếng Anh nên bao giờ cũng mơ ước trở thành tiếp viên hàng không. Mỗi buổi tối học nhóm xong, nằm gác chân lên nhau mơ ước và nghĩ về tương lai dường như không bao giờ biết chán.
Giờ đây, sau gần 20 năm gặp lại – vẫn nhóm “tam nương” ngày nào – thân nhau, quí nhau rất mực lại không biết nói gì. Thu chợt nhớ ở cơ quan, có cô bạn vợ chồng giận nhau đem đến cơ quan tâm sự và khẳng định trong nước mắt đẫm đìa rằng: “Không chịu nổi, phải ly dị thôi nếu không sẽ chết già vì phải sống như thế, nếu không sẽ muộn lúc ấy thì trắng tay”. Người ngoài khuyên “nên cân nhắc kỹ, nếu thấy không thể thì sáng suốt lựa chọn, nếu cần dứt bỏ thì sớm đi cho đỡ hao tâm hao lực”. Vài ngày sau, vẫn cô bạn nọ đến cơ quan với vẻ mặt bớt âu sầu “Cũng nghĩ kỹ rồi, còn con còn cái, thân mình thì chẳng nghĩ làm gì” thì lại nhận được lời khuyên không kém phần thực lòng: “ Nghĩ thế là phải, vợ chồng ai chẳng có lúc xô xát, bát đĩa còn có lúc xô...”. Thu nghĩ mọi lời khuyên cho chuyện tình yêu, hạnh phúc đều trở nên vô duyên và lố bịch. Họ đều tốt cả, đều chạnh lòng trước những chuyện buồn của mình nhưng họ làm sao hiểu được những rối rắm bòng bong của các loại tình cảm, của những diễn biến tâm lý rích rắc của ta mà chỉ ta mới hiểu, thành thử mọi lời khuyên trở thành cứ phèo phẽo thế nào...Giờ đây, hỏi han nhau thành thừa bởi đó, bạn mình có nhà cửa thế, chồng con thế....an ủi thì càng không nên bởi thấy mọi lời nói an ủi bây giờ đều không xứng với tầm bạn thân của nhau. Người ngoài, người ít thân thiết người ta mới an ủi, còn bạn thân nói ra lại thấy áy náy hơn, thấy mình thật nông cạn và có cái gì không phải với bạn mình.
Đoạn đường mỗi người đã đi qua là đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời người đàn bà, đoạn đời tiêu tốn nhiều sức lực nhất và cũng là quãng đời khó khăn nhất.
Thằng bé hồn nhiên toét miệng ra cười, tay nắm nắm đưa ra trước mặt. Thu cố hình dung lại hình ảnh của mẹ nó thuở nào. Tâm sắc sảo nhất, mọi ý kiến của Tâm đưa ra là cả bọn nhất loạt đồng ý, Tâm có dáng vẻ đài các và quyến rũ. Một lần đến lớp muộn, Tâm ngó mặt qua khung cửa sổ, cả lớp sững sờ trước vẻ đẹp của nó. Hàng ngày nhìn thấy nhau cũng chỉ biết nó xinh xắn, dễ thương. Còn hôm ấy, trông nó rực rỡ, kiêu sa như một đoá hồng.
Có vài người vào lấy quần áo, Tâm khất hẹn với vẻ mặt khổ hạnh – những nếp nhăn bên khoé mắt hằn sâu xuống, ánh nhìn trễ nải và nụ cười gượng gạo, khắc khổ. Bất giác Tâm bảo:
- Thu ơi, như Thu là hạnh phúc; Như Hạnh còn tạm được, dẫu gia đình nó tan nát nó còn niềm vui là được đi đây đó, được có thú vui là kiếm được nhiều tiền...còn tao thì...
Tâm gục xuống, hai vai run lên từng chập. Thu ôm lấy Tâm bảo:
- Mày đừng nghĩ thế. Tao thấy đã là đàn bà thì ai mà không khổ. Thôi, chẳng mấy khi hội mình tụ tập được. Tao ra chợ mua thức ăn, Hạnh với mày ở nhà nấu cơm – chiều nay lũ chúng mình sẽ “đập phá” ở đây...
Bữa cơm dọn ra, thức ăn ê hề mà chẳng ai muốn ăn. Hạnh thẫn thờ bảo:
- Thế mà hồi ấy chúng mình cứ ao ước đến tương lai, lại còn mong mau chóng về già để gặp lại nhau kể chuyện ngày xưa...đấy, bây giờ già nửa cuộc đời rồi. Chúng mình thấy tương lai có đáng ao ước như thế không?.
Thu bỗng thấy nhớ da diết cái tổ ấm của mình, và lại thấy mình thật là phù phiếm khi đã có lúc cứ nghĩ mình khổ, mình bất hạnh, lẽ ra mình còn phải được hơn thế...và cả cái ý nghĩ vẩn vơ về người đàn ông thành đạt mà mỗi ngày lại được Thu gán cho thêm một thứ tốt lành theo kiểu “con cá mất là con cá to” nữa chứ...Giờ này ở nhà không biết bố con nó đang làm gì, thế nào mà anh ấy lại chẳng âu yếm bảo con bé: “Mẹ mày đi lâu thế, bố con mình sắp hết cả quần áo mặc rồi” (vì anh ấy không có thói quen giúp vợ những việc nhà....)

Hà Nội 12/4/1999Mạo muội góp bên lề
Câu chuyện tưởng như lời kể lể về thân phận đàn bà, nuối tiếc vì thời gian trôi nhanh mà vẫn day dứt không thực hiện được hoài bão và ước vọng thời cắp sách tuổi teen, man mác buồn cho mình và cho bạn, rồi lại tự làm AQ để an ủi chính mình là an phận, để sống và để khao khát…
Nhưng thẳm sâu vẫn là Càng lớn tuổi Thu lại càng trở nên đa cảm. Trái ngược hẳn với cuộc sống bươn chải của cô. Dường như cái chất mơ mộng vẫn luôn cựa quậy trong Thu. Tâm hồn đó không bao giờ thôi mơ ước, thôi hoài bão và ước vọng. Đó chính là nguồn sức mạnh ẩn sâu trong tâm khảm của người đàn bà làm nên nhân bản và tính cách riêng không lẫn vào đâu được, cái mầm của sự bứt phá không cam phận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét