Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Hoa cua núi

Hoa của núi

Tòa nhà có thiết kế rất giống một chiếc hộp khổng lồ, bốn bề nhôm kính, tường đã được quét sơn lại hai, ba lần vẫn không giấu nổi nhôm nhoam. Trên nóc nhà găm một giàn anten tua tủa, luộm thuộm. Ban đêm những bóng đèn cháy mất khoảng 2/3 nên dòng chữ ở trên nóc không đọc nổi là chữ gì, trông giông giống con mèo mướp đã xấu xí lại còn chột mắt. Thang máy có không gian chật chội, nền đã bong tróc trông nhờ nhờ một màu vàng vàng, trăng trắng. Ngày ngày, mấy chục con người bước vào đây để tỏa đi các tầng, cặm cụi và tận tụy – cứ làm để mà làm, đôi lúc không rạch ròi được mục đích.

Cuộc sống văn phòng với các mối quan hệ cực kỳ lỏng lẻo, mơ hồ; vậy mà một ngày có tới 6 tiếng ngủ đêm, 8 tiếng cho văn phòng ( có ngày nhiều hơn). Nếu sống và gò mình vào cái hộp này thì có khác gì gà công nghiệp? Thôi thì lạc lõng cũng được, cứ sống theo kiểu của mình- Thủy nghĩ như vây. Góc làm việc nhỏ, đằng sau màn hình máy tính là vô vàn những thông tin, lúc rảnh rỗi lang thang vào đọc một, hai cái gì đó, lúc buồn đi ra hành lang nhìn xuống đường, triệu triệu người đi lướt qua, lướt qua; thiên nhiên vẫn vậy: khi nắng thì rạng rỡ, khi mưa thì u buồn...chỉ người người là khác. Lúc cần tìm chỗ dựa để tiếp tục sống thì đừng ép mình vào thứ đức hạnh triệt tiêu mọi xúc cảm làm người ta không còn ra người, cứ yêu – miễn là yêu thật, không phải cố...

Văn phòng, công sở là nơi rất dễ làm con người trì trệ, rồi mọi sự rắc rối cũng từ sự trì trệ này mà gây ra. Thủy nhận thấy nhịp sống cứ như thiếu vắng một cái gì. Sự đơn độc không thể giải thích. Tại sao Thủy bỗng khao khát trở thành một người khác, có ích hơn, thú vị hơn. Những ý nghĩ thấp ‘lè tè’ đang dần ngự trị, con người cứ như thế mà đi xuống mà thời gian thì nghiệt ngã. Tầng cán bộ thường dân thì yên ả trong sự nhạt nhẽo, trừ trường hợp trả giá để đổi lấy một cái gì đó – cái mà Thủy vẫn cho rằng cực kỳ tham vọng và ngu ngốc..

Một ngày từ trong tòa nhà này nàng bỗng bắt gặp người đàn ông của mình. Người đàn ông mà nàng kiếm tìm suốt nhiều năm, người đàn ông mà phải rất nhọc nhằn nàng mới thấy. Bỏ qua mọi thứ tính toán theo kiểu chức quyền, giàu sang hay đẹp đẽ về hình thức... nàng chỉ cần Người ấy hiểu nàng, đồng cảm và chia sẻ được với nàng. Người đàn ông này khác xa với một người (người ấy) luôn ở bên cạnh Thủy nhưng lại chưa phải là người tình.

Không ai biết mối quan hệ giữa họ. Buổi sáng, đến cơ quan, người ấy sẽ đưa mắt tìm và bằng mọi cách xem Thủy ở đâu, giao việc hoặc có việc gì đó buộc phải trao đổi thì thường bằng những câu không bao giờ có chủ ngữ, ngồi cạnh để sửa một văn bản trên máy tính, cả hai đều căng thẳng, gượng gạo tới mức 20 phút là phải tìm cách đứng lên làm một cái gì đó rồi mới tiếp tục… Có những lần gặp riêng nhau để đi xem phim, ăn tối ở một nhà hàng cực kỳ thơ mộng, lãng mạn, Thủy luôn có cảm giác âu lo và kiêu hãnh- người ấy đối xử với Thủy dịu dàng những lúc gặp gỡ, bỏ qua công việc; Ngược lại khi ở công sở người ấy coi cô không khác các nhân viên dưới quyền. Mỗi lần thoáng thấy Thủy buồn, người ấy tinh ý hỏi “em sao vậy? Anh có thể giúp được gì?”. “Không, chỉ tại em cứ nghĩ thái quá mọi thứ…”, một lát sau trên mặt bàn là những nét chữ điệu đàng của người ấy “Hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống…”.

Bắt đầu một mùa đông nữa lại đến, cây bàng trước cửa đã trút bỏ những chiếc lá tím thẫm cuối cùng xuống đường.. Cái lạnh ập về nhanh như trở mặt, mới nắng vàng mơn man thoắt cái đã bao phủ một màu xám xịt khắp không gian. Mưa làm cái giá lạnh se sắt thêm. Người ấy đón Thủy trong chiếc xe ô tô màu ghi sẫm. Sau khi đến thăm một người quen, người ấy đề nghị ghé vào một cửa hàng thời trang cao cấp của ý. “Không vào có được không”, Thủy rụt rè. Im lặng. Người ấy mở cửa xe sải những bước dài đến chỗ bán trang phục nữ, rồi lấy ra một chiếc áo khoác mà nhìn giá Thủy sững người. Thủy nghiêng người tránh một cái hôn nhẹ lên cổ lúc giúp cô thử áo. “Anh rất thích chiếc áo này, nó rất hợp với em. Em cứ làm xấu mình đi là thế nào, đã đẹp phải đẹp hơn nữa chứ”. Đột nhiên cô mệt nhoài. Khi yêu người ta mới thích cái mà người kia thích, nếu không sẽ bị cảm giác bất an như kiểu đang bị chi phối hay sở hữu...Thủy ôm chiếc hộp đựng chiếc áo nặng trĩu trong lòng. Người ấy chăm chú lái xe, Thủy ngồi sâu vào lòng ghế, mắt lơ đãng nhìn qua cửa kính loang loáng và thấy lòng trống rỗng...

Lại thêm vài năm,
Buổi sáng công sở chưa có ai đến, Thủy cặm cụi tại bàn làm việc. Người ấy hỏi: “Em có bầu?”. Thủy thoáng đỏ mặt. “Cũng phải thôi, em nữ tính thế phải có thêm em bé, làm sao khác được” – người ấy tự trả lời trong một trạng thái cực kỳ khó diễn tả, nửa như hờn ghen, nửa cam chịu. Rồi những ngày tiếp theo hai người tránh gặp nhau. Người ấy lặng lẽ không giao việc để cô có thời gian nghỉ ngơi – còn về phần mình, người ấy tỏ ra rất buồn, đôi lúc giận dỗi vô cớ. Một vài nhân viên xì xào: “Dạo này sếp cáu quá, nhiều khi cáu vô lý, sao thế nhỉ” và kín đáo đưa mắt đầy ngụ ý về phía Thủy.
Thủy trôi vào một trạng thái bồng bềnh, vô thức của một điều khác hệ trọng hơn là nghĩ xem tình cảm với người ấy như thế nào- Đó là đứa con của cô. Đứa con ra đời trong đớn đau, tủi cực, trong tột cùng của cùng quẫn…
Thêm vài năm trôi đi, bất hạnh của người ấy tăng lên thì tình yêu dường như lại thôi thúc. Lúc này Thủy cũng choàng tỉnh sau một thời gian dài nén chặt mọi xúc cảm. Họ tưởng đến được với nhau, mà không phải.
Khác quá, khác tới độ không cố được.

Thủy nhận ra rằng, người đàn ông của cô trái ngược với người ấy. Thủy cần những hiểu biết tinh tế, những chăm chút ẩn chứa sâu nặng từ bên trong, một cái gì đó toát lên sự bền bỉ, có thể an lòng vững tin rằng; anh giống như một ngọn núi vững chãi có thể đặt tình yêu, lòng tin và mọi thứ…cảm giác này không có và không bao giờ có với người ấy, người ấy đã không làm Thủy tin, dù đã được chứng minh bằng cả một thời gian quá dài.

Tình yêu luôn có tiếng nói riêng, không lý giải được; đồng cảm và hơn thế nữa, phải gọi là gì nàng không gọi đúng được. Chỉ biết rằng vẫn tồn tại bên nhau suốt một thời gian dài trong cái hộp khung kính với đủ mọi biến động này, rồi hàng ngày lướt qua nhau…Rồi đến một ngày Trời định – cả hai dừng lại, nhận thấy Trời sinh ra hai người là để cho nhau. Người đàn ông đã có tuổi, đã qua mọi gian khổ, qua mọi cung bậc của đời người – chỉ tình yêu là chưa có, cho đến khi gặp nàng…
Bất chợt có một niềm vui hay nỗi buồn Thủy muốn nói với anh, tự nhiên thấy anh như một người tri âm tri kỷ; không khoảng cách, vừa giống một người cha, người anh lại vừa là một người tình với đúng nghĩa nhất của từ này.

Bắt đầu là bóng đá. Nghe có vẻ phi lý, buồn cười. Anh thích bóng đá đến thế nào cô không biết, còn Thủy những đêm dài khó ngủ, nửa nằm nửa ngồi trên giường tay bấm vô thức điều khiển tivi: phim giả tưởng và phim ma là thứ Thủy thậm ghét, phim Hàn Quốc rề rà đôi khi đến khó chịu, phim VN không phải bàn – cho qua luôn, một vài phim khác hoành tráng nhưng nội dung cẩu thả, không thích hợp cho một kẻ chỉ muốn nhìn để ru mình vào giấc ngủ – Vậy thì bóng đá là lựa chọn hơn cả. Một vài lần tuyệt vọng, nàng rủ mấy đứa em vào sân xem và hò hét – thấy cũng hay. Cuốn vào sự cuồng nhiệt của những người xung quanh, lấp đầy chỗ trống trong lòng được tới hơn 90 phút. Quá hay!
Tất nhiên đi xem bóng đá với anh thì phải là Trời định, có nằm mơ cũng không ra cảnh Thủy – một người phụ nữ nhu mỳ, sợ đủ thứ, e dè cả khi chỉ có một mình mà lại nhận lời đi xem với một ai đó…trong nhiều trường hợp; Sau cuộc điện thoại rằng: “Em không đi được đâu” thì rủ ai đó hoặc bỏ đi một vé, đằng này anh lại cầm xuống phòng với một vẻ rất lãng tử “Em cầm đi, đi hay không tùy em, không đi em bỏ luôn”.
Dòng người cuồn cuộn đổ về sân vận động Mỹ Đình. Đi qua đường, như một bản năng bảo vệ phái yếu của người đàn ông, anh cầm tay Thủy băng qua dòng xe cộ. Bỗng dưng Thủy có cảm giác bị điện giật, rụt phắt tay lại, choáng váng, kinh ngạc ngước nhìn anh. Người đàn ông dường như không để ý, việc của anh lúc này là làm sao đi qua đường an toàn, làm sao cho kịp giờ….
Đúng là trời chẳng cho ai cái gì trọn vẹn. Có một phát hiện về nhau thì lại phải xem một trận bóng đá cực dở, dở đến độ sau này Thủy không sao thích nổi (thậm chí không thèm xem) đội Braxin nữa. Xem xong, trên đường về Thủy rụt rè để yên tay trong bàn tay anh và thử nghĩ xem đúng là “điện giật” không, hay lúc trước là ảo giác?.

Trong những hồi ức xa xôi của Thủy hiện về những lần người ấy đặt bàn tay với những ngón tay thẳng, sạch tinh, mịn màng, mượt mà trên tay Thủy khi thì vuốt nhẹ, khi thì bóp bóp đầy âu yếm nhưng sao Thủy chưa một lần thấy xốn xang, không tìm được cảm giác thực? Từ ngày hôm sau Thủy bắt đầu ngẫm nghĩ và hoài nghi: sự may mắn trong tình yêu chẳng lẽ lại giản đơn đến thế?.
*
*

Gần 20 năm sống với nhau cuộc sống vợ chồng thì một nửa trong số đó là những tháng năm cực nhọc, lúc nào cũng hớt hải mưu sinh. Thu vén, tha lôi về tổ những mẩu vật chất, rồi xây, rồi đắp, cộng thêm chút may mắn rồi họ cúng tạm ổn một cuộc sống. Chiều chiều về căn nhà của mình, Thủy đã làm tất cả nghĩa vụ, bổn phận của một người vợ, người mẹ. Góc của riêng mình cứ thu hẹp mãi lại, đến độ không có niềm vui cá nhân, nếu có vui chỉ là: chồng vui gì, con vui gì. Hai đứa con, đứa lớn xa cách về tính đối với Thủy. Đối ngược như có lần chính chồng nàng nói:”Tại anh sai lầm, em quá tuyệt thế mà anh lại dặt tên nó ngược với tên em, bao nhiêu cái dở vào nó cả.” Thủy thương cái vô tâm và cái tính dở ấy của con với ý nghĩ rồi nó sẽ khổ? Con bé thứ 2 nhạy cảm giống mẹ và gấp lên 10 lần nữa khiến nàng xa xót. Tối tối, 2 đứa đi ngủ trong tiếng càu nhàu hoặc la hét vô lý của đứa chị, tiếng thỏ thẻ cam chịu của con em…
Chiều đến Thủy thường ngồi trong chiếc ghế trên sân thượng, góc yên ả nhất của ngôi nhà, nhìn ráng chiều đỏ ối từ biệt một ngày. Có một tổ ong rất to treo lơ lửng, nàng thấy chúng rất chăm chỉ, cần mẫn, tất bật như nàng; chỉ khác một điều là chúng làm say mê còn nàng thì vô thức như trời sinh ra nàng đầy nữ tính để nàng làm những việc ấy như bản năng thôi vậy.. Tối, căn phòng lung linh hư ảo, nhạc trữ tình thoảng nhẹ, cốc sữa nóng lúc 11 giờ đêm, bóng điện ấm cúng trong góc giường, ga, gối, đệm chăn …ấm áp và thơm tho. Cốc nước anh đưa “em uống rồi đi ngủ trước nhé”. Nàng đỡ cốc nước và quay đi lặng lẽ thở dài. Anh cũng không nghe thấy tiếng thở dài tức ngực của người đàn bà đằm thắm, da thịt mát lạnh, căng tràn sức sống, đang cần sự yêu chiều, ve vuốt. Anh không kịp nhìn ( hoặc cố tình không nhìn) nàng đợi anh trong chiếc váy satanh bóng mát lịm, hở một khoang ngực tròn căng, trắng muốt và ấm nồng; và cũng không kịp nhìn lọ hoa violet, thứ hoa đồng nội giản dị mà nàng rất thích đặt ngay ngắn trong góc phòng. Anh đi như trốn chạy khỏi căn phòng mà bao người mơ ước... Anh đã luôn cảm thấy hài lòng và an tâm khi có nàng, có 2 đứa con, có cuộc sống mà ai gặp cũng trầm trồ rằng: anh may mắn và anh cũng tự bằng lòng một cách thực lòng khi thổ lộ: “đời mình có một may mắn lớn nhất đó là có Thủy là vợ” và không cần biết Thủy cần gì? Thủy có cam chịu mãi thế không? hay biến được vợ thành người cam chịu tới vô cảm- thế là an tâm?

Những chuyến công tác của anh hóa ra lại làm Thủy dễ chịu hơn. Đêm đêm làm những việc mình thích, rồi quên đi – Tất cả đã tạo thành thói quen. Phần lớn con người sống bằng thói quen.Thói quen phải sống như hơn 10 năm qua Thủy chịu đựng tuy có đặc biệt hơn nhưng suy cho cùng cũng chỉ là thói quen mà con người buộc phải chịu đựng như một kiểu thích ứng hoặc bản năng sinh tồn. Chẳng lẽ không chấp thuận? Rũ bỏ hết? Hoặc chết cho xong? Tất cả các giải pháp đều không thích hợp với Thủy – chịu đựng tới mức không coi rằng mình đang chịu đựng. Những cơn choáng váng qua rất nhanh, nàng dửng dưng và lạnh lùng nhìn thời gian, tuổi xuân trôi qua như chấp nhận sự sắp đặt của bà chúa số phận keo kiệt, nghiệt ngã - và cũng có thể, trong thế giới đàn ông vĩ đại kia không thể tìm được người đàn ông nào có cùng tần số mọi mặt với mình, để mà giúp mình vứt bỏ đi một thói quen cố hữu. Đêm đêm không tìm được hơi ấm của một ai đó (dù chỉ là trong tưởng tượng) có thể kéo mình không quay lưng lại mà gục mặt vùi vào..
. Thói quen tạo thành một người đàn bà chai lì, không nhớ mình là đàn bà... cho đến một ngày “điện giật” bản năng đàn bà khao khát trỗi dậy bên trong, đánh thức nàng dậy, và mọi thứ nổ tung ra, nổ tung đến độ cuồng nhiệt và bất chấp.

*

*

Thủy tìm được cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng khi nói chuyện với một người biết lắng nghe, chia sẻ, hóm hỉnh và lấp lánh trí thông minh. Những lần gặp gỡ ít ỏi đủ để cảm nhận này nhanh chóng ăn vào tiềm thức, và thật tự nhiên hai người gắn kết vào nhau và yêu nhau cuồng si lúc nào chẳng rõ. Anh viết những gì anh cảm nhận, anh viện dẫn những nhân vật mà Thủy đã đọc từ lâu lắm, nhưng qua anh những nhân vật ấy sống lại rõ nét như vừa đọc xong. Anh cảm nhận những điều xung quanh... những nhận xét, những suy nghĩ ...trùng hợp khác thường. Anh có một sức sống mạnh mẽ, lạ lùng – cái sôi nổi ấy truyền sang Thủy, xóa đi cảm giác chán nản, kiệt sức của nàng và biến nàng thành một người khác hẳn.

Vẫn hộp kính khổng lồ hàng ngày đón nhận gần 100 con người đến cặm cụi làm việc. Bây giờ, từ khi có anh, mọi thứ trở nên gần gũi, gắn bó và có cảm giác ấm lòng khi cả hai biết rằng: đến đây có một người mình yêu, khao khát được ở bên người ấy cho đến cuối cuộc đời. Liều thuốc xốc lại tinh thần, khát vọng và nàng cảm thấy phía trước là những ngày đáng sống.

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Thiên Cơ


Song Long

- Người thế này làm khổ nhiều người lắm đây…- Ông thầy bói người khô quắt như quả chanh bị vắt kiệt, miệng nói, tay sờ sờ vào lòng bàn tay cô mà phán, mắt ánh những tia nhìn sắc lẹm.
- Trông quý phái, hồng nhan thế này là không có sướng đâu em ạ, khổ tâm lắm. Thắp một tuần hương rồi khấn đi, thầy giải cho may ra đỡ khổ phần nào…
Ngôi nhà ba tầng khang trang nổi bật giữa làng, dãy nhà ngang là nơi các khách tứ phương xếp hàng chờ đến lựợt, gian chính là nơi thầy hành lễ lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Một chiếc chiếu trải giữa nhà, thầy ngồi xếp bằng chân ở giữa, phía trên đầu thầy là ban thờ nguy nga. Trước mặt thầy là quả cau với lá trầu được đặt trên một chiếc đĩa. Bên cạnh là chiếc gạt tàn to đầy ắp. Khói thuốc phả ra liên tục từ chiếc miệng mím chặt, hai má hóp, ánh mắt tinh nhanh của một loài cú. Thỉnh thoảng thầy lại với tay cầm ca nước chè mạn đặc uống ừng ực. Vòng người ngồi xung quanh khúm núm, sợ sệt ngước những ánh nhìn tuyệt vọng về phía thầy với vẻ thành kính đáng thương. Cô và mấy người bạn đi từ sáng sớm, cô đi theo lời rủ rê và như kiểu tham gia một trò chơi be bé cho qua một ngày nhàm chán thì đúng hơn là đi coi xem số phận mình rồi sẽ thế nào. Đọc được bản mệnh và tìm cách sửa được nó thì trên đời này còn ai phải vật vã, khổ sở nữa?, số người đọc được chắc chỉ không quá 2, vậy thì làm gì có may mắn gặp được một trong số 2 hữu hạn ấy để mà mong đợi biết được gì về quãng đời trước mặt?. Khi chiếc xe chở cô và 2 người bạn đi men theo bờ con sông đào vào làng, xe ô tô đã dừng kín hàng cây số. Cô ngao ngán khi bà cụ hàng nước đầu làng bảo không đặt trước phải chờ đến đêm. Thôi, cứ vào xem thế nào. Cô len lỏi qua mấy chục người ngồi la liệt ngoài sân, đúng lúc cô đứng trước cửa ngó qua mười mấy mái đầu đang ngồi xì sụp thì thầy ngẩng lên, cô cũng nhìn thẳng vào thầy, nhưng chắc là bằng ánh mắt tinh nghịch và “vô thần” lắm, chẳng có chút gì tỏ ra là đang thành tâm, đang tha thiết mong chờ một đặc ân cả. 2 phút sau, cậu giúp việc kéo áo cô bảo: Thầy bảo chị có cần thầy xem cho ngay không?. Cô bảo: Được thế thì tốt qúa, nhưng chị đi 3 người cơ, xem luôn cả 3 có được không?. Cậu ta ngần ngừ rồi lầm bầm: “Còn bao nhiêu người chờ, họ đặt chỗ từ hôm qua… để tôi hỏi thầy”. Nói rồi cậu ta lụt cụt đi vào ghé tai thầy, thầy cau mặt quát “có thế mà phải hỏi, bảo người ta vào hết cả đây…”. Cô nhường cho 2 người bạn xem trước, họ hỏi về con đường thăng quan tiến chức trước tiên rồi mới đến sức khỏe, kiếm tiền v.v…Cô lơ đãng quan sát những gương mặt đang nín thở nuốt từng lời thầy và thấy buồn cười. Kể cũng hay, có được lòng tin như thế chí ít con người cũng thanh thản đi phần nào, họ tin rằng chăm lễ bái, làm theo thầy bảo chắc sẽ gặt được nhiều ước nguyện và cả tai qua nạn khỏi…
Cô thắp lên ban thờ 3 nén hương và ngồi xuống trước mặt thầy. Bàn tay thầy bắt đầu cầm tay cô, ngón cái ở dưới, 4 ngón còn lại thầy miết miết lên lòng bàn tay mảnh khảnh, xanh xao của cô. Cô thầm nghĩ giá là mình, mình sẽ phán: bàn tay này là bàn tay yếu ớt, cần phải được nâng niu, được nương tựa. Bàn tay này là bàn tay của người không có tiền…rồi thầy nhìn vào khuôn mặt cô, bảo cô cho thầy nhìn tai. Thầy bảo:
- Cô có nhiều người đàn ông si mê. Cô mà tận dụng cơ hội, họ chỉ lăn quay ra đất mà chết giãy đành đạch, không dậy được cho đến khi nào cô cho họ dậy họ mới dậy được.- Thầy cười khà khà – Nhưng mà cũng khổ vì cái đám đàn ông này, khổ cho đến tận…Thầy bấm bấm đốt ngón tay lẩm nhẩm tính – đến…ngoài 60 thì mới thoát. Cô đỏ bừng mặt, có một người trong đám đông đang ở trong căn nhà cũng đỏ bừng mặt hơn cô, đó là người bạn đi cùng cô. Anh đang đứng tựa lưng ở cửa phụ, tay đút túi quần vẻ bất cần nhưng sự thực là không một câu nào thầy phán về cô mà anh bỏ ngoài tai.
- Cô có số phong lưu. Đài các. Nhung lụa. Cô chẳng chịu ai, có nhún cũng là vì biết điều thôi chứ không phải vì sợ. Công việc tốt, thuận lợi mọi bề.- Thầy suýt xoa: Số cô có quý nhân phù trợ, cái số hiếm và quý lắm đây. Càng về sau lộc sẽ đến càng nhiều.
Cô bảo: Em chẳng cần. Em chỉ cần biết một điều rằng: bao giờ thì hết khổ tâm?
Thầy buông tay, mắt nhìn xoáy vào mặt cô, một tia nhìn vừa có gì sắc lạnh, vừa có gì mơn trớn tục tĩu lướt rất nhanh trên khuôn mặt lưỡi cày của thầy.
- Mặt hoa da phấn tươi rói thế kia có mà đến đời tiểu sành mới hết khổ. Phải giải hạn. Tôi sẽ giúp em. – Câu “em” thầy chuyển ngữ nhanh và nhấn vào đó với âm lượng như nhát búa, đã đóng xong, không cần bàn cãi gì nữa, cứ thế mà làm.
Hai người bạn đi thắp hương ở mấy chiếc miếu nhỏ quanh sân. Cô nhìn nắng ong ong cuối chiều chiếu xiên qua hàng gạch bên thềm. Một mảng sân sau nhà còn giữ được chút yên tĩnh, mấy con gà nằm bên chân cây rơm nghe tiếng chân người đứng dậy rũ bụi mù mịt rồi lại thản nhiên nằm ệp xuống, mắt tròn xoe nhìn cô. Bậc thềm gạch dựng chiếc chổi lúa gợi trong cô một cái gì xa xăm trong ký ức. Con chó nằm cum cúp ở góc sân cũng chẳng buồn sủa vì quá quen với người là người. Căn phòng mở toang như khoe ra cho cả thiên hạ biết đó là nơi nghỉ ngơi của thầy. Đó là chiếc giường kê cao hơn bình thường, chiếc màn diêm dúa buông trùm xuống, hai cửa màn được kéo vếch lên bởi hai túm dây sặc sỡ, đệm, chăn, gối màu mè lẳng lơ, không hiểu sao liếc nhìn qua cô cứ thấy chiếc giường đẫm ý tưởng nhục dục của chủ nhân . ..
Lạ thật, cái gì làm nên số phận? để rồi ban cho ta một số phận thế này?. Cô bé con có hai bím tóc tự tết, tự buộc từ khi 7,8 tuổi đầu vẩn vơ bên hiên nhà, không mơ đồ chơi hay quần áo đẹp mà lại cứ ngóng được tặng truyện, được bước chân vào chiếc rạp ở rất gần nhà xem phim. Năm tháng qua đi, nhìn lại thấy hóa ra đã nhảy cóc qua tuổi thơ, tuổi xuân tiến thẳng tới tuổi trung niên và sắp tuổi già, đã đạt được nhiều điều đáng để người đời nhận xét rằng: thế là “quá được” đối với đời một con người, chỉ cô biết cô thiếu điều cần thiết nhất đó là một người đàn ông của cô. Người đem cho cô tình yêu và làm cho cô yêu điên dại. Số phận. Nếu Người đã ban cho một thể xác nồng nàn, một tâm hồn đầy cảm xúc và đắm say, một trí tuệ minh mẫn…tại sao lại không cho một A đam xứng với nó? Tại sao lại đem giễu qua trước nó người thì thừa hoa mỹ thiếu chiều sâu; người yêu chân thành lại chỉ biết cặm cụi cày xới tình yêu như thợ cày, không còn biết đâu là chỗ cần gượng nhẹ cho chút nắng, chút gió thi vị; người yêu cuồng si, ồn ào lại thiếu chung thủy; người có đủ cả lại cẩn trọng đo đếm và chỉ muốn có cô như một bến đỗ thứ hai mà bi kịch thay cô lại chỉ khao khát được mang tình yêu đầy tràn ắc ứ của mình chăm chút cho tổ ấm của cô. Tổ đúng nghĩa. Có nghĩa phải là duy nhất, không chấp nhận bất cứ một thứ “ngoại tình” nào. Số phận ban cho cô cả cái cá tính đặc biệt như thế hỏi làm sao cho sung sướng? làm sao hết khổ tâm?.
Người bạn đưa mắt tìm cô dáo dác nhưng khi bất chợt bắt gặp ánh mắt cô người ấy cố ý lấy lại vẻ thản nhiên rất nhanh. “Em có làm theo thầy không? Có giải hạn không?”. Cô cười buồn: Anh tin vào thứ nhảm nhí ấy à? Giải được thì em đã giải từ hai mươi năm trước rồi. – Chợt thấy lỡ lời, cô im bặt và thoáng đỏ mặt. Hai mươi năm họ tồn tại song hành bên nhau như người ta chơi trò bập bênh. Lúc cô gần quỵ xuống vì thiếu hụt, có thể tiến gần tới tình yêu, cô cần anh thì anh đang lơ lửng với nỗi hả hê trên từng nấc thang danh vọng. Khi anh đủ đầy mọi thứ, ngoảnh lại thấy thiếu mỗi cô thì cô lại chìm xuống vì nhận thấy đó không phải người đàn ông của mình, có cái gì bất an đâu đó làm cô nguội tanh nguội ngắt.
Cô lặng lẽ băng qua chiếc sân trước nhà đầy ắp những con người đang nghển cổ chờ những lời phán xét của một người xa lạ đối với quá khứ của chính mình, chờ đợi phần hậu vận với những dự đoán mù mịt, chung chung để rồi hồ hởi hoặc âu sầu…Cô bỗng mệt nhoài. Hình như những người đến đây xem bói họ đã thỏa mãn được chí ít về mặt tinh thần, còn cô – chẳng hiểu có phải cô tự tin quá không khi cô biết rằng cô đã tự tiên lượng về tương lai của cô rõ như một sa bàn trước mặt với chặng này cô đang có một sự nghiệp ổn định, được làm những việc vừa sức và tuy không đem lại niềm đắm say thì cũng đủ để bằng lòng. Một cuộc sống yên bình, nhàn nhạt. Một vài cảm xúc thoảng đến thoảng đi. Một người yêu mình đến độ nào. Một người khác mình yêu như thế nào và đi đến đâu…Một đoạn tràn ngập yêu thương, hạnh phúc (dù rất có thể chỉ là ảo giác). Một đoạn mất mát tới đau thắt ngực, mình sao, người ta sao…Một đoạn tuổi già thê thảm nếu sống một mình, hoặc được hưởng mọi thứ thú vị ngay cả khi già lão nếu được sống với người tri kỷ…Cái sa bàn trải rộng trước mặt với đủ mọi khúc quanh, khúc thẳng. Cả đoạn đường đời đã qua cũng được cô nghiệm ra rằng, nó gần đúng với những gì cô đoán biết. Khi trẻ thơ cô biết cô sẽ vào đại học dễ dàng. Khi thiếu nữ cô biết cô sẽ gặp phải người đàn ông không được như cô mong đợi. Khi gặp thuận lợi trong sự nghiệp cô biết số phận đã lấy đi của cô ước vọng lớn nhất là về hạnh phúc thì sẽ cho cô may mắn trong công việc, trong những ước muốn nhỏ nhoi khác. Đứng trước người đàn ông, cô biết họ yêu cô bằng tình yêu gì… Và đọc được như thế nên không có cơ hội được giải tỏa chút nào sau khi xem bói như thế này.
Chiếc xe lại bon bon chở cô và hai người bạn về thành phố. Người bạn đăm chiêu vẻ như chăm chú vào việc lái xe nhưng thực ra là âu lo về một dự cảm không lành. Người bạn còn lại ngồi bên cạnh cô với nét mặt hồng hào thỏa mãn, họ đã như sờ được tận tay điều họ muốn cho chặng đã qua, chặng trước mắt và cả lâu dài. Họ chỉ se sẽ thở dài khi liếc nhìn cô đang dửng dưng nhìn qua cửa kính xe. Cuộc sống vẫn trôi như trên một băng truyền đã được hoạch định, không gì ngăn trở được và những số phận lênh đênh trên đó cần phải biết thỏa hiệp chịu đựng và cũng phải biết triệt để tận dụng thời gian ngắn ngủi của đời người mà hưởng thụ nó. Chẳng thể phí phạm.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Thu




Song Long
Anh ạ, thế là lại một mùa thu nữa đến rồi đấy. Trời cao thẳm, gíó hanh hao, nắng óng chuốt, cái mùa lấy đi của con người nhiều cảm xúc đến lạ. Nhất là em, thu về em không chịu nổi – Trời đất đẹp đẽ dường kia, thời gian êm ả trôi như thế kia, vậy mà chúng mình thiếu vắng nhau? Anh thấy có đáng buồn không?
Một năm trước họ quen nhau. Cũng mùa thu nao lòng như thế này, trong một hội nghị miên man những vấn đề mòn cũ và không hứa hẹn điều gì hấp dẫn. Cô gặp anh trong một bữa tiệc buffet buổi tối sau khi kết thúc hội nghị. Người đàn ông nồng nhiệt, chân thành – cái hồn hậu lồ lộ không giấu giếm nổi. Cô ngồi lặng lẽ, mắt lơ đãng nhìn qua khung cửa mở rộng của căn phòng tiệc, thả hồn đâu đó phiêu diêu ngoài khung cửa, nơi có những khóm cây cảnh được trồng tỉa ngay ngắn bên những con đường sỏi nhỏ, ánh đèn trang trí hắt khe khẽ trong các lùm cây. Anh đưa cô ly nước và cô giữ ly nước quả ép bằng những ngón tay mảnh khảnh hiếm thấy của mình.
Ngước nhìn anh, Thủy thoáng đỏ mặt “ cảm ơn anh”. Bằng linh cảm cô biết đây chính là người đàn ông cô cần. Anh nói nhiều về công việc bằng một giọng hơi châm biếm, hài hước. Cô lặng lẽ nghe anh nói, thỉnh thoảng xen vào vài câu nhẹ nhàng.
Sau buổi tiệc nhàm chán, cô và anh đi dạo trên con đường ven biển. Sóng dập dờn trườn trãi, gió mơn man mang mùi vị biển, con đường bê tông khuất bóng lá cây lổ đổ, hai người đi bên nhau bước trên chiếc cầu tầu với những khe nứt có thể nuốt chửng gót giầy cao gót của cô bất cứ lúc nào. Anh khẽ nắm tay cô “Em lạnh, đúng không?”. Thủy bàng hoàng. Có ai trong đời hỏi cô một lời da diết như thế? Có bàn tay nào ấm nóng và mang lại cho cô cảm giác tin cậy như thế?. Anh thầm thì “Chúng ta chờ nhau đã lâu, chúng ta đã đi lướt qua nhau quá lâu rồi, đúng không?”. Thủy gật đầu “Vâng, anh ạ”.
Đã qua đi một thời Thủy sống trong sự cam chịu, sự cam chịu đạt đến độ bình thản phải cần quãng thời gian dài dằng dặc không biết bao nhiêu ngày đêm mà kể. Con người kể cũng lạ, hoàn cảnh nào cũng thích nghi chỉ nỗi vò xé, đớn đau sâu trong tâm khảm thì chỉ Trời biết, đất biết và bản thân họ biết. Thủy tin vào số phận. Số phận cô là cam chịu và luôn hy sinh mọi thứ của bản thân cho người khác – chắc thế, vì thuở bé khi tất cả anh chị em trong nhà hùa vào với mẹ để lên án tình yêu “ngoài luồng” của bố thì chỉ mình Thủy lặng lẽ suy tư theo cách riêng của mình. Mặt mẹ nhàu như một tàu chuối héo và mẹ giữ vẻ mặt ấy trong suốt nửa cuộc đời sống với bố. “Nhà cửa thế này tôi còn muốn bước chân về không? Cô có biết cả ngày tôi vật vã ở cơ quan với đủ mọi bức bối…”. Giọng bố tắt ngang vừa chán chường vừa bất lực khi bố biết mẹ sẽ lại lên cơn kể lể, lại khóc sụt sịt. Cái giống khóc sụt sịt, ấm ức kiểu ấy rất kinh khủng – thà gào lên một cơn cho thỏa rồi năm mười năm sau hãy khóc có hơn không, đằng này lấy ở đâu ra nhiều nước mắt thế, ở đâu ra cái lèo nhèo, mát mẻ ghê người như thế?. “Cô có im đi không. Tôi đã vũ phu với cô bao giờ chưa? Cô đã được an nhàn, thảnh thơi mà không phải động não tới bất cứ việc gì, hay là nhàn rỗi quá sinh đổ đốn? có mỗi việc làm cái gì đó để chồng về nhà thấy không khó thở, tức ngực cũng không làm được”. “Anh phải nói chứ, em phải làm gì”. “Nói thì tôi làm vợ luôn thay cô. Sinh ra đàn bà việc đầu tiên và quan trọng nhất là tự biết mình phải làm gì để chồng yêu thương mình, muốn về nhà như một chốn bình yên”. Lần nào hình như bố cũng muốn nói nhiều hơn để mong một sự thay đổi – không, đúng hơn là bố muốn xả ra bằng hết cục nghẹn đang chẹn đứng trong ngực bố suốt đêm ngày, muốn phá toang cho trống huyếch trống hoác các vây bủa, chằng chịt…nhưng lần nào bố cũng ngừng bặt dang dở như thế. Bố cảm thấy cái hố ngăn cách đã xa quá rồi, không gì có thể len được vào cái đầu giản lược và thủ cựu của mẹ, cái trí tuệ nông choèn của mẹ. Tự dưng chùng xuống, mất hết sinh lực. Cái cục bực bội nghẹn tắc trong bố, càng ngày càng cộm lên, bóp nghẹt lấy cổ, bố lặng lẽ vào giường nằm và hàng tuần không ai nói với ai câu nào trừ những câu dóng dả của mẹ “Đi ra ngoài thì vui lắm, phởn lắm. Tâm sự được nhiều lắm, chỉ về cái nhà này là không thiết thôi”. Cũng có khi hiếm hoi mẹ bảo “Anh không hiểu em, em chỉ cần anh thôi..”. “Cô cần tôi như một vật sở hữu không thể thiếu trong đời cô, đã có trong tay thì quyết không để mất, cô cần tôi là vì lòng tự ái của cô, cô không muốn người đời cười cô chứ cô có cần quan tâm xem cứ kéo dài cuộc sống này tôi sẽ thế nào, tôi đang nghĩ gì, cần gì đâu. Mà cô thì có gì mà không hiểu, đầu óc thế thì chứa được gì trong ấy, sai lầm của tôi là đã để cho cô rảnh rỗi quá”. “Nó – cái con phù thủy ấy hớp hồn anh rồi thì anh còn thiết gì”. Bố lao ra đường, tôi có cảm giác lúc ấy ông không thiết gì thực.
“Con phù thủy” mà mẹ gọi ấy là cô Thảo. Nhà cô ở đầu hồi một dãy nhà tập thể, cách nhà tôi khoảng 1 cây số. Sáng sáng đi học, Thủy thường thấy cô Thảo lặng lẽ xách túi đi làm, bao giờ cô cũng gọi Thủy lại ôm Thủy vào lòng, mắt ngân ngấn nước “Con ăn gì chưa?. Bố dạo này thế nào? Mẹ con còn hay ốm không?”. – Mẹ chẳng ốm đâu mà cứ tức tối là bà phản ứng bố cô bằng cách bỏ ăn, nằm quay mặt vào tường tấm tức. Người đàn bà hút hồn bố tôi có dáng vẻ cam chịu, gương mặt đôn hậu, giọng nói nhẹ nhàng. Từ người cô Thảo toát lên một ma lực gì đó rất phụ nữ, rất ngọt ngào. Cái hồn hậu, nồng ấm ấy phải ở một tâm hồn nhân ái, yêu thương, không chút tầm thường, không “phù thủy” tẹo nào. Cô xa xót bố tôi thực lòng. Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên tiếp xúc vói cô Thảo, tôi không giận dữ như phần lớn những đứa trẻ phản ứng trong trường hợp tương tự. Sau này, tôi được biết bố đã nhận ra sự bất ổn từ cuộc hôn nhân với mẹ rất sớm, ngay sau khi cưới 1 năm, bố muốn giải thoát cho hai người vì bố linh cảm được rõ nỗi cay đắng, bất hạnh đến thế nào khi cả cuộc đời gắn với 1 người chỉ còn là chịu đựng lẫn nhau. Sau nhiều lần hòa giải của họ mạc và phải tới 3 năm sau nữa đứa con đầu lòng là tôi mới ra đời.
Một lần tôi lén theo chân bố để xem thực hư cái người đàn bà là nguyên nhân của nỗi “bất hạnh” của đời bố - theo như mọi người nhận định, như thế nào. Cánh cửa hé mở lộ ra một khoảng ánh sáng le lói, cô Thảo ngồi bất động, bố nằm gối đầu lên lòng cô như một người tìm được chốn bình yên, cô Thảo vuốt những sợi tóc lơ thơ của bố tôi, vai run lên từng chập, cô đang dấu đi những giọt nước mắt xót xa, tủi cực. “Anh hãy trở về với mái nhà của anh đi, số phận đã định như thế rồi, đừng khổ sở day dứt thế này, em không chịu nổi”. Bóng hai người tạc lên tường như khối đá, yên lặng và thanh khiết, tuyệt không chút nhục cảm. Bố tha thiết vuốt những sợi tóc lòa xòa xuống vầng trán sáng, rộng của cô Thảo “Em mệt mỏi lắm, đúng không? Anh có tội với em, anh đã làm em phải chịu đựng nhiều quá…”. “Đừng lo cho em, em chỉ quặn lòng suốt đêm ngày vì lo cho anh, thương anh thôi. Những điều đang xảy đến với chúng mình là quá sức, làm sao tránh được số kiếp, anh?”. Rồi hai người ôm chặt lấy nhau, lần đầu tiên trong đời cô nhận thấy từ hai hố mắt sâu thẳm của bố chắt ra hai giọt nước mắt. Bỗng cánh cửa bật tung, mẹ lao vào, mặt biến dạng và trắng bệch. “Đồ đê tiện, mày cướp chồng tao…”. Bố đứng phắt dậy cầm tay mẹ lôi đi bằng một cánh tay dứt khoát và mạnh mẽ kinh khủng. Mẹ cố trằn người lại trong một cơn điên loạn. Cô Thảo đổ gập người xuống, mắt nhìn trân trối vào đêm tối, cô không khóc. Có cảm giác người cô tan loãng, trống rễnh roãng, mọi thứ không còn có nghĩa lý gì, nỗi đau đớn đã qua đỉnh điểm, quá giới hạn và cũng có thể cô Thảo đã chuẩn bị tinh thần từ lâu lắm để có ngày phải chịu trận như thế này. Sau đêm ấy, cô Thảo lặng lẽ tránh bố tôi, bố thì trở về quẩn quanh trong ngôi nhà trống huyếch trống hoác và lạnh lẽo ghê người của mình. Cuộc sống cứ trôi, bố ăn, ngủ như một cái máy và già sọm nhanh như một ông lão, bố trở thành xa lạ trong chính ngôi nhà của mình. Mẹ yên tâm khi thấy bố như vậy, với mẹ - mục đích cuối cùng là có bố trọn vẹn bằng xương bằng thịt bên cạnh là đủ, là mỹ mãn. Mẹ bắt tay vào một “công cuộc” mới đó là quay sang chăm sóc bố - những việc trước đây chưa từng xảy ra. Sáng trước khi bố đi làm, mở tủ đã có 2 bộ quần áo là phẳng phiu (vẫn 2 chiếc áo trắng, mặc dù bố còn những chiếc áo khác nhưng vì cất ở một tủ khác nên trong mẹ không có khái niệm phải thay đổi) (còn áo mayô thì sờn nát tả tơi, cũng không có trong tư duy của mẹ); ăn sáng mẹ chuẩn bị những 3 thứ - tất nhiên mẹ vụng nên cũng chẳng phải nấu nướng cầu kỳ gì, chỉ là vài thứ bánh trái mua ở trước cửa nhà rất tiện; ngồi chờ bố ăn xong và chờ xem có sai bảo gì nữa nếu không sẽ mở cổng cho bố dắt xe đi làm bằng một vẻ mặt rầu rầu cố hữu; buổi trưa bố sẽ nhận được vài câu âu yếm mẹ học được ở đâu đó; tối về là mâm cơm nấu ê hề đủ thứ, hôm nào bố cố ăn được nhiều nhiều một chút còn đỡ, hôm nào chán tới độ không cố gắng được nữa bố ăn qua quýt thì lại nhận vẻ mặt buồn nẫu ruột nẫu gan của mẹ; tối mẹ quẩn quanh bên cạnh bố, thỉnh thoảng nói vài câu để chứng tỏ sự tồn tại của mình – những câu nói không ăn nhập nổi vào đâu, thành thử cứ rơi tòm tõm vào không gian, đôi khi cô cũng thấy xót xa cho sự tẽn tò mà mẹ tự vô tình đẩy mình vào mà không biết. Thủy bảo “Nhìn bố lủi thủi không ra sống…mẹ không đau lòng sao?”. “Vẽ chuyện, sướng chẳng muốn, cơm bưng nước rót chẳng muốn, tự đầy đọa mình, kêu ai. Mày xem ai sướng bằng bố mày, ai chiều bố mày bằng tao?”. Tôi lý sự “Nhưng bố không cần những thứ ấy, cái bố cần là được hạnh phúc”. Và thỉnh thoảng tôi bắt gặp cái nhìn trìu mến, biết ơn pha lẫn sự âu yếm của bố. Ông lặng lẽ tồn tại đơn côi, khắc khoải trong cái chốn “tù đầy” của đời mình và trở về cát bụi vào một ngày tháng mười ong ong nắng. Không một lời nhắn nhủ, không một lời trách hận, như thể ông bay về trời là giải thoát khỏi 1 kiếp người lắm khổ đau, phiền muộn. Khi không có tình yêu đích thực ông không còn thấy cuộc sống có ý nghĩa gì. Cô nhớ có lần bố trầm ngâm bảo cô “Con người giống như một con thuyền trôi trên dòng sông, rồi sẽ gặp những bến đỗ, những gì gì đó..tình cờ và vô định”. Cô cũng tin rằng mỗi người đều được số phận hoạch định sắp xếp sẵn mọi điều, nhưng Cô còn tin rằng mỗi người lại có một thần may mắn của riêng mình. Thần may mắn sẽ đem đến cho con người trí tuệ, cảm xúc nhiều, ít khác nhau..để mà trong những hoàn cảnh cụ thể cúi đầu cam chịu hay quyết liệt vẫy vùng để định đoạt cuộc đời mình theo hướng mà trí tuệ, cảm xúc mách bảo. Sau cái chết của bố, mẹ suy sụp. Có lẽ cuối cùng thì mẹ cũng nhận ra mẹ đã làm tất cả chỉ để giữ được một thân xác héo úa, còn tâm hồn bố mẹ đã làm cho rữa nát không thể cứu vãn. Cô Thảo cũng héo hon, vật vã âm thầm với đoạn đời thiếu hụt đủ điều của cô. Thủy thương bố, có phần trách mẹ. Bên quan tài bố, nhìn những ngọn nến chập chờn hư ảo gắn leo lét trên nắp áo quan, cô tha thiết “Tại sao bố không dám bảo vệ hạnh phúc của đời mình? Bố hy sinh vì cái gì vậy? chúng con đâu cần bố sự hy sinh này, cái chúng con cần là nụ cười ấm áp, mãn nguyện trên gương mặt bố, là sức sống trong con người bố khi bố có tình yêu…chứ đâu phải nỗi chịu đựng cay nghiệt như thế…”. Cô Thảo cũng về dự đám tang của bố, mắt nhìn trân trối vào khuôn kính phía đầu quan tài, cô nghẹn ngào “Anh chỉ có nguyện ước em vuốt mắt cho anh lần cuối thôi mà, sao anh không cho em cơ hội ấy, sao ác thế?”. Tôi ôm chặt lấy cô trong một cảm xúc không gọi nổi nó là cái gì. Chỉ biết tôi thấy cô là cái gì thân thương của bố, cô là người đã làm cho bố vui sống một đoạn đời ngắn ngủi mà có ý nghĩa của bố…
Bây giờ đây, vòng quay luân hồi dường như lại vận vào cô. Bi kịch có nguy cơ lặp lại trong chính cuộc đời cô. Cô có dám dũng cảm hơn bố để bứt toang đống cỏ cây rậm rịt đang bủa vây cô mà giữ chặt lấy hạnh phúc cho mình? Không thỏa hiệp cùng quẫn như bố. Không chọn con đường bế tắc để triệt tiêu mọi xúc cảm đoạn cuối này. Không như bố, đẩy bản thân mình, mẹ, cô Thảo vào vòng đau khổ, bất hạnh bởi sự buông xuôi của mình.
Thủy đã sống một quãng đời nhàn nhạt, cái độ khập khiễng bất ổn từ cuộc sống của cô bi kịch thay càng ngày càng nhạt. Nhạt đến độ nhiều lúc cô tự hỏi sống thế thì có gọi là sống không?. Biến tất cả chồng, con, bố mẹ hai bên cùng trở thành nạn nhân của cuộc sống treo gắn tạm bợ như thế có gọi là nhân đạo không?. Khi xưa, bố mẹ Thủy - hai người với hai cuộc chiến bất phân thắng bại của mình, với mục đích thoạt nghe có vẻ rất hợp tình rằng họ đã cố giữ một chiếc tổ cho con, nhưng họ đâu biết rằng những đứa con không cần chiếc tổ rách tả tơi và luôn bất an như thế. Cô sẽ đem đến cho các con cuộc sống thực, không che đậy một cách giả tạo, đó là cuộc sống với sự đòi hỏi cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi người để có hạnh phúc trong tay – một việc khó vô cùng. Cô sẽ sống với đúng nghĩa của từ này chứ không chỉ là tồn tại.