Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010
Thu
Song Long
Anh ạ, thế là lại một mùa thu nữa đến rồi đấy. Trời cao thẳm, gíó hanh hao, nắng óng chuốt, cái mùa lấy đi của con người nhiều cảm xúc đến lạ. Nhất là em, thu về em không chịu nổi – Trời đất đẹp đẽ dường kia, thời gian êm ả trôi như thế kia, vậy mà chúng mình thiếu vắng nhau? Anh thấy có đáng buồn không?
Một năm trước họ quen nhau. Cũng mùa thu nao lòng như thế này, trong một hội nghị miên man những vấn đề mòn cũ và không hứa hẹn điều gì hấp dẫn. Cô gặp anh trong một bữa tiệc buffet buổi tối sau khi kết thúc hội nghị. Người đàn ông nồng nhiệt, chân thành – cái hồn hậu lồ lộ không giấu giếm nổi. Cô ngồi lặng lẽ, mắt lơ đãng nhìn qua khung cửa mở rộng của căn phòng tiệc, thả hồn đâu đó phiêu diêu ngoài khung cửa, nơi có những khóm cây cảnh được trồng tỉa ngay ngắn bên những con đường sỏi nhỏ, ánh đèn trang trí hắt khe khẽ trong các lùm cây. Anh đưa cô ly nước và cô giữ ly nước quả ép bằng những ngón tay mảnh khảnh hiếm thấy của mình.
Ngước nhìn anh, Thủy thoáng đỏ mặt “ cảm ơn anh”. Bằng linh cảm cô biết đây chính là người đàn ông cô cần. Anh nói nhiều về công việc bằng một giọng hơi châm biếm, hài hước. Cô lặng lẽ nghe anh nói, thỉnh thoảng xen vào vài câu nhẹ nhàng.
Sau buổi tiệc nhàm chán, cô và anh đi dạo trên con đường ven biển. Sóng dập dờn trườn trãi, gió mơn man mang mùi vị biển, con đường bê tông khuất bóng lá cây lổ đổ, hai người đi bên nhau bước trên chiếc cầu tầu với những khe nứt có thể nuốt chửng gót giầy cao gót của cô bất cứ lúc nào. Anh khẽ nắm tay cô “Em lạnh, đúng không?”. Thủy bàng hoàng. Có ai trong đời hỏi cô một lời da diết như thế? Có bàn tay nào ấm nóng và mang lại cho cô cảm giác tin cậy như thế?. Anh thầm thì “Chúng ta chờ nhau đã lâu, chúng ta đã đi lướt qua nhau quá lâu rồi, đúng không?”. Thủy gật đầu “Vâng, anh ạ”.
Đã qua đi một thời Thủy sống trong sự cam chịu, sự cam chịu đạt đến độ bình thản phải cần quãng thời gian dài dằng dặc không biết bao nhiêu ngày đêm mà kể. Con người kể cũng lạ, hoàn cảnh nào cũng thích nghi chỉ nỗi vò xé, đớn đau sâu trong tâm khảm thì chỉ Trời biết, đất biết và bản thân họ biết. Thủy tin vào số phận. Số phận cô là cam chịu và luôn hy sinh mọi thứ của bản thân cho người khác – chắc thế, vì thuở bé khi tất cả anh chị em trong nhà hùa vào với mẹ để lên án tình yêu “ngoài luồng” của bố thì chỉ mình Thủy lặng lẽ suy tư theo cách riêng của mình. Mặt mẹ nhàu như một tàu chuối héo và mẹ giữ vẻ mặt ấy trong suốt nửa cuộc đời sống với bố. “Nhà cửa thế này tôi còn muốn bước chân về không? Cô có biết cả ngày tôi vật vã ở cơ quan với đủ mọi bức bối…”. Giọng bố tắt ngang vừa chán chường vừa bất lực khi bố biết mẹ sẽ lại lên cơn kể lể, lại khóc sụt sịt. Cái giống khóc sụt sịt, ấm ức kiểu ấy rất kinh khủng – thà gào lên một cơn cho thỏa rồi năm mười năm sau hãy khóc có hơn không, đằng này lấy ở đâu ra nhiều nước mắt thế, ở đâu ra cái lèo nhèo, mát mẻ ghê người như thế?. “Cô có im đi không. Tôi đã vũ phu với cô bao giờ chưa? Cô đã được an nhàn, thảnh thơi mà không phải động não tới bất cứ việc gì, hay là nhàn rỗi quá sinh đổ đốn? có mỗi việc làm cái gì đó để chồng về nhà thấy không khó thở, tức ngực cũng không làm được”. “Anh phải nói chứ, em phải làm gì”. “Nói thì tôi làm vợ luôn thay cô. Sinh ra đàn bà việc đầu tiên và quan trọng nhất là tự biết mình phải làm gì để chồng yêu thương mình, muốn về nhà như một chốn bình yên”. Lần nào hình như bố cũng muốn nói nhiều hơn để mong một sự thay đổi – không, đúng hơn là bố muốn xả ra bằng hết cục nghẹn đang chẹn đứng trong ngực bố suốt đêm ngày, muốn phá toang cho trống huyếch trống hoác các vây bủa, chằng chịt…nhưng lần nào bố cũng ngừng bặt dang dở như thế. Bố cảm thấy cái hố ngăn cách đã xa quá rồi, không gì có thể len được vào cái đầu giản lược và thủ cựu của mẹ, cái trí tuệ nông choèn của mẹ. Tự dưng chùng xuống, mất hết sinh lực. Cái cục bực bội nghẹn tắc trong bố, càng ngày càng cộm lên, bóp nghẹt lấy cổ, bố lặng lẽ vào giường nằm và hàng tuần không ai nói với ai câu nào trừ những câu dóng dả của mẹ “Đi ra ngoài thì vui lắm, phởn lắm. Tâm sự được nhiều lắm, chỉ về cái nhà này là không thiết thôi”. Cũng có khi hiếm hoi mẹ bảo “Anh không hiểu em, em chỉ cần anh thôi..”. “Cô cần tôi như một vật sở hữu không thể thiếu trong đời cô, đã có trong tay thì quyết không để mất, cô cần tôi là vì lòng tự ái của cô, cô không muốn người đời cười cô chứ cô có cần quan tâm xem cứ kéo dài cuộc sống này tôi sẽ thế nào, tôi đang nghĩ gì, cần gì đâu. Mà cô thì có gì mà không hiểu, đầu óc thế thì chứa được gì trong ấy, sai lầm của tôi là đã để cho cô rảnh rỗi quá”. “Nó – cái con phù thủy ấy hớp hồn anh rồi thì anh còn thiết gì”. Bố lao ra đường, tôi có cảm giác lúc ấy ông không thiết gì thực.
“Con phù thủy” mà mẹ gọi ấy là cô Thảo. Nhà cô ở đầu hồi một dãy nhà tập thể, cách nhà tôi khoảng 1 cây số. Sáng sáng đi học, Thủy thường thấy cô Thảo lặng lẽ xách túi đi làm, bao giờ cô cũng gọi Thủy lại ôm Thủy vào lòng, mắt ngân ngấn nước “Con ăn gì chưa?. Bố dạo này thế nào? Mẹ con còn hay ốm không?”. – Mẹ chẳng ốm đâu mà cứ tức tối là bà phản ứng bố cô bằng cách bỏ ăn, nằm quay mặt vào tường tấm tức. Người đàn bà hút hồn bố tôi có dáng vẻ cam chịu, gương mặt đôn hậu, giọng nói nhẹ nhàng. Từ người cô Thảo toát lên một ma lực gì đó rất phụ nữ, rất ngọt ngào. Cái hồn hậu, nồng ấm ấy phải ở một tâm hồn nhân ái, yêu thương, không chút tầm thường, không “phù thủy” tẹo nào. Cô xa xót bố tôi thực lòng. Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên tiếp xúc vói cô Thảo, tôi không giận dữ như phần lớn những đứa trẻ phản ứng trong trường hợp tương tự. Sau này, tôi được biết bố đã nhận ra sự bất ổn từ cuộc hôn nhân với mẹ rất sớm, ngay sau khi cưới 1 năm, bố muốn giải thoát cho hai người vì bố linh cảm được rõ nỗi cay đắng, bất hạnh đến thế nào khi cả cuộc đời gắn với 1 người chỉ còn là chịu đựng lẫn nhau. Sau nhiều lần hòa giải của họ mạc và phải tới 3 năm sau nữa đứa con đầu lòng là tôi mới ra đời.
Một lần tôi lén theo chân bố để xem thực hư cái người đàn bà là nguyên nhân của nỗi “bất hạnh” của đời bố - theo như mọi người nhận định, như thế nào. Cánh cửa hé mở lộ ra một khoảng ánh sáng le lói, cô Thảo ngồi bất động, bố nằm gối đầu lên lòng cô như một người tìm được chốn bình yên, cô Thảo vuốt những sợi tóc lơ thơ của bố tôi, vai run lên từng chập, cô đang dấu đi những giọt nước mắt xót xa, tủi cực. “Anh hãy trở về với mái nhà của anh đi, số phận đã định như thế rồi, đừng khổ sở day dứt thế này, em không chịu nổi”. Bóng hai người tạc lên tường như khối đá, yên lặng và thanh khiết, tuyệt không chút nhục cảm. Bố tha thiết vuốt những sợi tóc lòa xòa xuống vầng trán sáng, rộng của cô Thảo “Em mệt mỏi lắm, đúng không? Anh có tội với em, anh đã làm em phải chịu đựng nhiều quá…”. “Đừng lo cho em, em chỉ quặn lòng suốt đêm ngày vì lo cho anh, thương anh thôi. Những điều đang xảy đến với chúng mình là quá sức, làm sao tránh được số kiếp, anh?”. Rồi hai người ôm chặt lấy nhau, lần đầu tiên trong đời cô nhận thấy từ hai hố mắt sâu thẳm của bố chắt ra hai giọt nước mắt. Bỗng cánh cửa bật tung, mẹ lao vào, mặt biến dạng và trắng bệch. “Đồ đê tiện, mày cướp chồng tao…”. Bố đứng phắt dậy cầm tay mẹ lôi đi bằng một cánh tay dứt khoát và mạnh mẽ kinh khủng. Mẹ cố trằn người lại trong một cơn điên loạn. Cô Thảo đổ gập người xuống, mắt nhìn trân trối vào đêm tối, cô không khóc. Có cảm giác người cô tan loãng, trống rễnh roãng, mọi thứ không còn có nghĩa lý gì, nỗi đau đớn đã qua đỉnh điểm, quá giới hạn và cũng có thể cô Thảo đã chuẩn bị tinh thần từ lâu lắm để có ngày phải chịu trận như thế này. Sau đêm ấy, cô Thảo lặng lẽ tránh bố tôi, bố thì trở về quẩn quanh trong ngôi nhà trống huyếch trống hoác và lạnh lẽo ghê người của mình. Cuộc sống cứ trôi, bố ăn, ngủ như một cái máy và già sọm nhanh như một ông lão, bố trở thành xa lạ trong chính ngôi nhà của mình. Mẹ yên tâm khi thấy bố như vậy, với mẹ - mục đích cuối cùng là có bố trọn vẹn bằng xương bằng thịt bên cạnh là đủ, là mỹ mãn. Mẹ bắt tay vào một “công cuộc” mới đó là quay sang chăm sóc bố - những việc trước đây chưa từng xảy ra. Sáng trước khi bố đi làm, mở tủ đã có 2 bộ quần áo là phẳng phiu (vẫn 2 chiếc áo trắng, mặc dù bố còn những chiếc áo khác nhưng vì cất ở một tủ khác nên trong mẹ không có khái niệm phải thay đổi) (còn áo mayô thì sờn nát tả tơi, cũng không có trong tư duy của mẹ); ăn sáng mẹ chuẩn bị những 3 thứ - tất nhiên mẹ vụng nên cũng chẳng phải nấu nướng cầu kỳ gì, chỉ là vài thứ bánh trái mua ở trước cửa nhà rất tiện; ngồi chờ bố ăn xong và chờ xem có sai bảo gì nữa nếu không sẽ mở cổng cho bố dắt xe đi làm bằng một vẻ mặt rầu rầu cố hữu; buổi trưa bố sẽ nhận được vài câu âu yếm mẹ học được ở đâu đó; tối về là mâm cơm nấu ê hề đủ thứ, hôm nào bố cố ăn được nhiều nhiều một chút còn đỡ, hôm nào chán tới độ không cố gắng được nữa bố ăn qua quýt thì lại nhận vẻ mặt buồn nẫu ruột nẫu gan của mẹ; tối mẹ quẩn quanh bên cạnh bố, thỉnh thoảng nói vài câu để chứng tỏ sự tồn tại của mình – những câu nói không ăn nhập nổi vào đâu, thành thử cứ rơi tòm tõm vào không gian, đôi khi cô cũng thấy xót xa cho sự tẽn tò mà mẹ tự vô tình đẩy mình vào mà không biết. Thủy bảo “Nhìn bố lủi thủi không ra sống…mẹ không đau lòng sao?”. “Vẽ chuyện, sướng chẳng muốn, cơm bưng nước rót chẳng muốn, tự đầy đọa mình, kêu ai. Mày xem ai sướng bằng bố mày, ai chiều bố mày bằng tao?”. Tôi lý sự “Nhưng bố không cần những thứ ấy, cái bố cần là được hạnh phúc”. Và thỉnh thoảng tôi bắt gặp cái nhìn trìu mến, biết ơn pha lẫn sự âu yếm của bố. Ông lặng lẽ tồn tại đơn côi, khắc khoải trong cái chốn “tù đầy” của đời mình và trở về cát bụi vào một ngày tháng mười ong ong nắng. Không một lời nhắn nhủ, không một lời trách hận, như thể ông bay về trời là giải thoát khỏi 1 kiếp người lắm khổ đau, phiền muộn. Khi không có tình yêu đích thực ông không còn thấy cuộc sống có ý nghĩa gì. Cô nhớ có lần bố trầm ngâm bảo cô “Con người giống như một con thuyền trôi trên dòng sông, rồi sẽ gặp những bến đỗ, những gì gì đó..tình cờ và vô định”. Cô cũng tin rằng mỗi người đều được số phận hoạch định sắp xếp sẵn mọi điều, nhưng Cô còn tin rằng mỗi người lại có một thần may mắn của riêng mình. Thần may mắn sẽ đem đến cho con người trí tuệ, cảm xúc nhiều, ít khác nhau..để mà trong những hoàn cảnh cụ thể cúi đầu cam chịu hay quyết liệt vẫy vùng để định đoạt cuộc đời mình theo hướng mà trí tuệ, cảm xúc mách bảo. Sau cái chết của bố, mẹ suy sụp. Có lẽ cuối cùng thì mẹ cũng nhận ra mẹ đã làm tất cả chỉ để giữ được một thân xác héo úa, còn tâm hồn bố mẹ đã làm cho rữa nát không thể cứu vãn. Cô Thảo cũng héo hon, vật vã âm thầm với đoạn đời thiếu hụt đủ điều của cô. Thủy thương bố, có phần trách mẹ. Bên quan tài bố, nhìn những ngọn nến chập chờn hư ảo gắn leo lét trên nắp áo quan, cô tha thiết “Tại sao bố không dám bảo vệ hạnh phúc của đời mình? Bố hy sinh vì cái gì vậy? chúng con đâu cần bố sự hy sinh này, cái chúng con cần là nụ cười ấm áp, mãn nguyện trên gương mặt bố, là sức sống trong con người bố khi bố có tình yêu…chứ đâu phải nỗi chịu đựng cay nghiệt như thế…”. Cô Thảo cũng về dự đám tang của bố, mắt nhìn trân trối vào khuôn kính phía đầu quan tài, cô nghẹn ngào “Anh chỉ có nguyện ước em vuốt mắt cho anh lần cuối thôi mà, sao anh không cho em cơ hội ấy, sao ác thế?”. Tôi ôm chặt lấy cô trong một cảm xúc không gọi nổi nó là cái gì. Chỉ biết tôi thấy cô là cái gì thân thương của bố, cô là người đã làm cho bố vui sống một đoạn đời ngắn ngủi mà có ý nghĩa của bố…
Bây giờ đây, vòng quay luân hồi dường như lại vận vào cô. Bi kịch có nguy cơ lặp lại trong chính cuộc đời cô. Cô có dám dũng cảm hơn bố để bứt toang đống cỏ cây rậm rịt đang bủa vây cô mà giữ chặt lấy hạnh phúc cho mình? Không thỏa hiệp cùng quẫn như bố. Không chọn con đường bế tắc để triệt tiêu mọi xúc cảm đoạn cuối này. Không như bố, đẩy bản thân mình, mẹ, cô Thảo vào vòng đau khổ, bất hạnh bởi sự buông xuôi của mình.
Thủy đã sống một quãng đời nhàn nhạt, cái độ khập khiễng bất ổn từ cuộc sống của cô bi kịch thay càng ngày càng nhạt. Nhạt đến độ nhiều lúc cô tự hỏi sống thế thì có gọi là sống không?. Biến tất cả chồng, con, bố mẹ hai bên cùng trở thành nạn nhân của cuộc sống treo gắn tạm bợ như thế có gọi là nhân đạo không?. Khi xưa, bố mẹ Thủy - hai người với hai cuộc chiến bất phân thắng bại của mình, với mục đích thoạt nghe có vẻ rất hợp tình rằng họ đã cố giữ một chiếc tổ cho con, nhưng họ đâu biết rằng những đứa con không cần chiếc tổ rách tả tơi và luôn bất an như thế. Cô sẽ đem đến cho các con cuộc sống thực, không che đậy một cách giả tạo, đó là cuộc sống với sự đòi hỏi cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi người để có hạnh phúc trong tay – một việc khó vô cùng. Cô sẽ sống với đúng nghĩa của từ này chứ không chỉ là tồn tại.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)